Những điều cần lưu ý để không bị xử phạt khi kinh doanh mạng xã hội

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Gần đây, một số trang mạng đã bị đóng cửa và xử phạt hành chính do vi phạm các quy định của pháp luật về thông tin điện tử trên mạng. Do vậy, doanh nghiệp muốn kinh doanh loại hình này cần quan tâm những quy định về điều kiện thiết lập, nội dung, các hành vi bị cấm khi thiết lập mạng xã hội để tránh bị xử phạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn

Mạng xã hội (social network) là một loại hình thương mại mới phát triển tại Việt Nam. Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Điều kiện thiết lập mạng xã hội

Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp chỉ được thiết lập mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Giấy phép thiết lập mạng xã hội có thời hạn theo đề nghị của doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 10 năm.

Doanh nghiệp được cấp phép có nghĩa vụ thiết lập mạng xã hội trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực. Quá thời hạn này, nếu doanh nghiệp không thiết lập mạng xã hội thì giấy phép không còn giá trị.

Doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép hết hạn sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội khi có đủ các điều kiện sau:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp;

- Có nhân sự quản lý đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập mạng xã hội;

- Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động;

- Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Lưu ý, trường hợp có sự thay đổi chủ sở hữu của mạng xã hội đã được cấp phép thì phải thực hiện các thủ tục như cấp mới theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển giao. Đối với các mạng xã hội đã được cấp Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 và Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT ngày 29/6/2010, nếu tiếp tục hoạt động phải tiến hành thủ tục cấp mới Giấy phép theo quy định tại Thông tư 09/2014/TT –BTTTT trong thời gian 180 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trang chủ của mạng xã hội phải cung cấp đầy đủ các thông tin: Tên của tổ chức quản lý mạng xã hội; tên cơ quan chủ quản (nếu có); địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung; số giấy phép đang còn hiệu lực, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp phép.

Những hành vi nào bị pháp luật cấm?

Doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội không được thực hiện các việc sau:

Một là, lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

- Chống lại Nhà nước Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

- Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

- Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

- Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

- Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hai là, cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên Internet của tổ chức, cá nhân.

Ba là, cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Bốn là, sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.

Năm là, tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên Internet.

Trường hợp cung cấp các thông tin, nội dung vi phạm điều cấm như nêu trên, tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 tháng đến 3 tháng.