Những doanh nghiệp dễ tổn thất nhất vì căng thẳng Triều Tiên
Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài sẽ bị thiệt hại nhiều nhất nếu xung đột Triều Tiên - Hàn Quốc xảy ra.
Cuộc tập trận thường niên cùng Mỹ sắp tới có thể gia tăng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài có doanh thu đáng kể từ Hàn Quốc, bất kỳ sự leo thang căng thẳng, làm cản trở hoạt động thương mại nào cũng có thể làm họ bị tổn thương.
Theo hãng thông tấn Yonhap, Triều Tiên lên án cuộc tập trận này là "hành vi liều lĩnh" có thể dẫn tới "một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể kiểm soát". Nếu chiến tranh Nam và Bắc Hàn xảy ra, thương mại sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Nó sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu vì tầm quan trọng của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng mọi thứ từ smartphone, ôtô đến màn hình tivi. Các doanh nghiệp có nhà máy, người lao động tại các quốc gia nằm trong tầm bắn tên lửa của Triều Tiên nhiều khả năng phải chịu thiệt hại từ cuộc xung đột này.
<="" td=""> |
Những doanh nghiệp có thể thiệt hại nhiều nhất nếu chiến tranh xảy ra. Ảnh: Bloomberg |
Không ngạc nhiên khi công nghệ là lĩnh vực nổi bật trong danh sách các công ty nước ngoài có doanh thu hơn 1 tỷ USD từ Hàn Quốc. Và đây có thể là lĩnh vực sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu chiến tranh xảy ra.
Qualcomm - hãng chế tạo chip điện thoại lớn nhất thế giới và nhà sản xuất chất bán dẫn Applied Materials đều có 17% doanh thu toàn cầu từ Hàn Quốc. Trong khi, một phần tư doanh thu toàn cầu của ASML Holding NV - nhà sản xuất chất bán dẫn và thiết bị lớn nhất châu Âu cũng tới từ xứ sở Kim Chi.
"Hàn Quốc là một nước xuất khẩu hàng hoá trung gian lớn nên nó là một phần quan trọng của chuỗi cung cấp thiết bị điện toàn cầu", nhà chiến lược hàng hoá John Davies tại BMI Research nhận định.
Davies nhấn mạnh: "Nếu hoạt động tại quốc gia này bị đình trệ hoặc phải phục hồi mất một thời gian dài vì các cơ sở bị phá huỷ, chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều công ty sẽ bị phá vỡ".
Nhiều công ty khác cũng dễ bị tổn thương, thông qua việc đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới hay là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến các công ty phụ thuộc vào người tiêu dùng Hàn Quốc. BMW và Mercedez - Benz là hai hãng xe bán chạy nhất trong số 225.000 xe được nhập khẩu về Hàn Quốc. Đây cũng là thị trường lớn thứ năm của Starbucks, với hơn 1.000 cửa hàng.
Ministop là doanh nghiệp có khả năng tổn thương cao nhất trong nhóm ngành hàng tiêu dùng vì nhà bán lẻ Nhật hiện có khoảng 2.400 cửa hàng tại Hàn Quốc. Con số này còn nhiều hơn số cửa hàng Ministop tại quê nhà.
Kimikazu Sugawara - người phát ngôn của Ministop cho biết: "Chúng tôi không thể làm điều gì đặc biệt dưới sự căng thẳng hiện tại của Triều Tiên. Công ty sẽ cố gắng hết sức để phục vụ ngay cả trong những thời điểm khó khăn."
Công ty lớn nhất Hàn Quốc - Samsung Electronics chỉ thu về 10% trong số 174 tỷ USD doanh thu năm ngoái từ thị trường nội địa. Tuy nhiên, nếu chiến tranh xảy ra, nhiều nhà máy của hãng này sẽ phải chịu thiệt hại vì nằm trong tầm pháo của Triều Tiên.