Những doanh nghiệp lớn đang lãi nhờ tiền gửi tiết kiệm
Nhờ “là chắn” doanh thu tài chính, nhiều doanh nghiệp về đích trong năm 2021. Thậm chí có doanh nghiệp thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh quý cuối năm.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV/2021 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận doanh thu thuần giảm 43% xuống mức 960 tỷ đồng, trong khi lỗ gộp 62 tỷ đồng. Điều này đánh dấu 2 quý thua lỗ liên tiếp trong hoạt động cốt lõi của ông lớn cảng hàng không Việt Nam.
Ngoài ra, ACV còn phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 349 tỷ, gấp 13 lần cùng kỳ và điều này khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 150% lên 418 tỷ.
Điểm sáng duy nhất trong báo cáo tài chính quý IV/2021 của ACV là doanh thu tài chính tăng 75% lên 959 tỷ đồng, trong đó lãi chênh lệch tỷ giá hơn 522 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính, ACV lãi ròng 329 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Cả năm 2021, doanh thu thuần của ACV đạt 4.758 tỷ đồng và lãi ròng đạt 830 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 39% và gần 50% so với năm 2020. Đây cũng là năm kinh doanh ảm đạm nhất của ông lớn cảng hàng không Việt Nam.
Tính đến cuối năm, ACV ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 54.840 tỷ đồng, chủ yếu là 573 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, và 32.717 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong năm qua, khoản tiền gửi khổng lồ này đã mang về cho ACV hơn 1.742 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Hiện tại, ACV đang đẩy mạnh dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tại ngày 31/12, Công ty ghi nhận 1.677 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, trong đó chiếm chính là 714 tỷ đồng cho dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu thuần giảm 33% so với cùng kỳ, xuống 1.121 tỷ đồng, chủ yếu từ việc bán và cho thuê căn hộ dài hạn.
Giá vốn bán hàng giảm 34% xuống 932 tỷ đồng đã giúp biên lãi gộp của doanh nghiệp ngành bất động sản này tăng nhẹ từ 14,8% ở quý cùng kỳ lên 16,9%.
Đáng chú ý, trong quý IV/2021, doanh thu tài chính của AGG đạt 317 tỷ đồng, tăng mạnh 73% nhờ tăng lãi chuyển nhượng khoản đầu tư, lãi tiền gửi và chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính tăng 78% lên 51 tỷ đồng, phần lớn là chi phí cố định phải trả do thực hiện hợp tác kinh doanh. Kết quả, AGG báo lãi sau thuế 222 tỷ đồng trong quý IV, giảm 11% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2021, AGG đạt 1.808 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với năm 2021 và lãi sau thuế đạt 421 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Theo giải trình của AGG, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2021 của AGG đạt 12.565 tỷ đồng, tăng 29% so với hồi đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn tăng 66% lên 3.123 tỷ đồng.
Hàng tồn kho chiếm hơn một nửa tài sản (6.730 tỷ đồng), phần lớn là bất động sản dở dang tại các dự án The Sóng, Westgate, The Standard, River Panorama 1, River Panorama 2, Sky 89 và Sigial.
Nợ phải trả của AGG cũng tăng 33% lên 9.889 tỷ đồng. Trong đó, người mua trả trước ngắn hạn chiếm 34% tổng dư nợ, toàn bộ đều là khách hàng cá nhân mua căn hộ dự án. Trong năm, doanh nghiệp phát sinh 1.684 tỷ đồng nhận ký quỹ, ký cược. Vay nợ tài chính ghi nhận 2.474 tỷ đồng, chiếm 25% tổng nợ.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Tasco (HNX: HUT), nếu như trong 3 quý đầu của năm 2021 liên tiếp thua lỗ, với số lỗ quý sau luôn cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I, HUT lỗ 24 tỷ đồng; quý II lỗ hơn 49 tỷ đồng; quý III lỗ hơn 72 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang quý IV, HUT bất ngờ báo lãi 177 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 154 tỷ đồng.
Cũng giống như ACV và AGG, trong quý IV/2021, HUT ghi nhận khoản doanh thu tài chính bất thường là 219 tỷ đồng. Đây là lý do chính khiến Công ty thoát lỗ trong quý IV và cả năm 2021.
Khép lại năm 2021, HUT ghi nhận 870 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 47,7 tỷ đồng, đột biến so với mức thua lỗ 243 tỷ đồng trong năm trước đó.
Theo lý giải của HUT, doanh nghiệp có lãi trong quý IV/2021 nhờ các mảng kinh doanh đều hồi phục, thu phí đường bộ, y tế, VETC đều tăng trưởng so với năm trước. Công ty cũng thực hiện chính sách tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong giai đoạn đại dịch.
Đồng thời, HUT đã thực hiện thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm theo chủ trương của Hội đồng quản trị, qua đó mang lại lợi nhuận trong kỳ. Đó cũng là lý do doanh thu tài chính của HUT trong quý IV tăng đột biến.
Trước đó, ngày 29/11/2021, Hội đồng quản trị HUT đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần/vốn góp tại các công ty con/công ty liên kết. Theo đó, HUT sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần/phần vốn góp tại 7 đơn vị thuộc các lĩnh vực hoạt động cần tái cấu trúc với giá trị thoái vốn tối thiểu là 600 tỷ đồng. Danh sách thoái vốn bao gồm 3 công ty con (Tasco Thành Công, Tasco Nam Định, An Nhiên Foods), 4 công ty liên kết (Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, Công ty D-Tech, Tổng công ty Thăng Long). Riêng đối với lĩnh vực năng lượng, HUT sẽ tìm kiếm đối tác hợp tác để triển khai.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, HUT đang có tổng tài sản 10.831 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Tái cơ cấu đã giúp Công ty thoát lỗ trong năm vừa qua và khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận 139 tỷ đồng vào cuối năm.