Những khó khăn hiện tại là cơ hội để Việt Nam tái trúc nền kinh tế
Quý I/2025, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP là 6,93% với nhiều điểm sáng nổi bật. Đây là một trong những kết quả tích cực trong khu vực, trên thế giới và không nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế. Mục tiêu tăng trưởng cả năm 8% là con số đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều biến động và bất ổn. Song đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, rà soát lại nội lực trong nước.
Nhiều điểm sáng tích cực
Quý I/2025, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP là 6,93% với nhiều điểm sáng nổi bật. Đây là một trong những kết quả tích cực trong khu vực, trên thế giới và không nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế.
Một trong những điểm nổi bật đóng góp vào mức tăng trưởng ấn tượng 6,93% của quý I/2025 là khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt mức tăng 3,74% - mức tăng ở kịch bản tăng trưởng cao được đưa ra từ đầu năm.
Khu vực công nghiệp và dịch vụ mặc dù chưa đạt mức tăng ở kịch bản tang trưởng cao nhưng cũng rất tích cực với mức tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,28% và mức tăng của ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,81%.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tiến sát mục tiêu tăng trưởng cao với mức tăng ấn tượng ở ngành vận tải kho bãi (tăng đến 9,9%) và ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 9,31%), biểu hiện qua số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm, là lượng khách cao nhất trong các quý trong những năm gần đây. Việc thu hút khách quốc tế đã tạo ra mức tăng cho nhiều hoạt động dịch vụ thị trường như: Vận tải, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí…
Một trong những điểm nhấn tích cực khác là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt quý I năm nay đạt trên 202 tỷ USD, với mức xuất siêu là hơn 3,16 tỷ USD. Cùng với đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hôi cũng có mức tăng ấn tượng với con số tăng trưởng là 8,3% so cùng kỳ. Thu ngân sách cũng đạt mức tăng khá cao trên 29% so với cùng kỳ.
Cơ hội để tái trúc nền kinh tế

Trong thời gian tiếp theo, nhu cầu quốc tế được nhận định là sẽ suy giảm sau chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi đó cầu trong nước chưa phục hồi như trước đại dịch COVID-19.
Để đảm bảo nhu cầu cả trong nước và quốc tế, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, việc duy trì sức sản xuất từ phía cung trong nước cần được tháo gỡ. Đồng thời, tập trung giải ngân tối đa vốn đầu tư công, từ đó tạo năng lực và nguồn lực cho sản xuất trong nước cả lâu dài và trước mắt. Tăng cường khai thác tối đa thị trường nội địa hơn 100 triệu dân để kích thích tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp cần liên kết, chia sẻ khó khăn để vượt qua những thách thức trong bối cảnh phân mảnh thương mại, dòng đầu tư ngày càng tăng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 8%, các quý tiếp theo cần đạt mức tăng trưởng là 8,3%. Đây là con số đầy thách thức, đặc biệt trong tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều biến động và bất ổn. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Nguyễn Thị Hương, đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, rà soát lại nội lực trong nước, từ đó tập trung sản xuất và phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam mà chúng ta làm chủ từ nguyên liệu đầu vào đến khoa học công nghệ cũng như thị trường đầu ra. Đây là chiến lược trong ngắn hạn và cả dài hạn để chúng tạo dựng và đưa thương hiệu sản phẩm Việt tự tin vươn tầm ra ngoài thế giới./.