Những kiến nghị nhằm thúc thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển năm 2013 (*)
(Tài chính) 2012 là năm đặc biệt khó khăn cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, đặc biệt là Bộ trưởng Vương Đình Huệ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã giúp TTCK vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trong năm 2012, TTCK gặp nhiều khó khăn do nợ xấu ngân hàng tăng cao, nhiều vụ việc liên quan đến ngân hàng làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng hạn chế tối đa về tăng trưởng tín dụng mới, lợi nhuận của các công ty chứng khoán gặp muôn vàn khó khăn và rơi vào tình trạng gần như phá sản.
Mặc dù vậy trong năm qua, Bộ Tài chính đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có sự quan tâm đặc biệt đến TTCK. Bên cạnh đó, với chức năng và nhiệm vụ của mình, UBCKNN đã quyết liệt và kịp thời hơn trong việc ban hành các chính sách để hỗ trợ và quản lý thị trường, nhất là các chính sách an ninh, an toàn hệ thống. UBCKNN cũng đã tăng cường hoạt động giám sát, kịp thời xử lý một cách linh hoạt, các sai phạm của các công ty niêm yết, nhà đầu tư và các công ty chứng khoán, những trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng và có hệ thống mới chuyển sang cơ quan pháp luật, hạn chế tối đa hình sự hóa và chủ yếu là dân sự.
Đứng trước sự khó khăn của thị trường như vậy, nhưng dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, UBCKNN, các Sở Giao dịch vẫn hoạt động liên tục và không nghỉ, bảo đảm cho TTCK có thanh khoản. Chính sự chỉ đạo quyết liệt đó đã giúp thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, trong khi cổ phiếu bị suy giảm, thị trường trái phiếu vẫn duy trì tốt, mức huy động năm nay tăng gần gấp đôi so với năm 2011, đây chính là sự cứu cánh cho nguồn huy động vốn trong giai đoạn khó khăn nhất của hệ thống tài chính...
Kiến nghị năm mới
Trong năm 2013 có thể thấy, tỷ giá và lãi suất tiếp tục ổn định, lạm phát được giữ ở mức khống chế cho phép. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tù 25% xuống 23%, có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tuy nhiên, TTCK vẫn chưa gặp nhiều thách thức, từ thực trạng đó, cần có các giải pháp cụ thể hơn trong điều hành chính sách và có hỗ trợ đắc lực cho TTCK phát triển:
Thứ nhất, sớm ban hành đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn Nghị định 58 và chiến lược tái cấu trúc ngành chứng khoán và bảo hiểm thật rõ ràng để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, tuy đã có nhưng chưa đầy đủ và chưa đông bộ.
Thứ hai, hoạt động hợp nhất, sát nhập của các tập đoàn (công ty mẹ, công ty con) các doanh nghiệp niêm yết, các công ty chứng khoán sẽ đẩy mạnh, UBCKNN và Bộ Tài chính nên có hướng dẫn cụ thể và có lộ trình thích hợp để thuận lợi cho việc triển khai.
Thứ ba, hệ thống công ty chứng khoán đang thực hiện chỉ tiêu an toàn chính, UBCKNN khi ban hành các văn bản hướng dẫn cần có lộ trình thực hiện để các công ty có thời gian chuẩn bị, những công ty không đáp ứng được mới xử lý… khi ban hành không thể áp dụng ngay mà cần có lộ trình thích hợp.
Thứ tư, tăng cường thanh tra giám sát, cần có sự phối hợp để xử lý hài hòa với chuẩn mực kiểm toán và công bố thông tin của công ty niêm yết và công ty chứng khoán;
Thứ năm, đối với chủ trương hợp nhất 2 Sở đã có Quyết định của Chính phủ vì vậy cũng nên công bố ra thị trường về quan điểm, lộ trình để thị trường biết và đón nhận.
Thứ sáu, đối với việc triển khai sản phẩm mới, cần sớm có chỉ đạo 2 Sở và các đơn vị liên quan để tạo thanh khoản cho thị trường. Tiến tới năm 2013 giao dịch trong ngày, cho vay chứng khoán để bán, giao dịch ETF sớm xây dựng đề án phát triển thị trường phái sinh.
Thứ bảy, đề nghị Bộ Tài chính, UBCKNN tiếp tục quan tâm đến hoạt động của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, tạo vị thế cho Hiệp hội có điều kiện để đóng góp ý kiến sát thực hơn, tăng cường phối hợp để phổ cập các quy định văn bản mới, thông qua kênh thông tin cần có sự phối hợp với Hiệp hội cùng tổ chức tạo cho TTCK phát triển. Trong bối cảnh các công ty thành viên đang rất khó khăn cần có sự hỗ trợ về tài chính của các cơ quan đơn vị để Hiệp hội có điều kiện hoạt động sâu, hiệu quả.
(*) Tít bài do FinancePlus.vn đặt. Bài viết được trích từ tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển Thị trường chứng khoán năm 2013