Những nhân tố có thể đẩy thế giới quay lại vòng suy thoái
(Tài chính) Đã 7 năm trôi qua kể từ khi thế giới xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên về một cuộc khủng hoảng, vậy mà chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát ra. Trên thực tế, những dấu hiệu tích cực gần đây về một triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu lại có vẻ “vui mừng hơi sớm”.
Đó là những cảnh báo không những từ các nhà phân tích kinh tế hàng đầu mà còn từ những chính trị gia tầm cỡ.
Kênh truyền hình CNBC vừa tổng hợp những điểm áp lực kinh tế lớn nhất có thể kéo lùi nền kinh tế thế giới.
Suy thoái tại Nhật Bản
Dữ liệu được công bố hôm Thứ Hai cho thấy, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giảm 1,6% trong quý III, đi ngược lại với dự báo tăng 2,1% của Reuters. Con số này chỉ ra một thực tế Nhật Bản đang rơi vào suy thoái với việc GDP giảm trong 2 quý liên tiếp.
GDP quý II nước này giảm 7,3% sau động thái tăng thuế kinh doanh gây tranh cãi trong tháng 4 tại nước này.
Các nhà phân tích kỳ vọng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ hoãn lại kế hoạch tăng thuế lần 2, một biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm giảm gánh nặng nợ công hiện đang ở mức cao nhất thế giới, cho đến năm 2017, và thậm chí tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Nhưng tin GDP giảm có lẽ không hoàn toàn là xấu với Nhật Bản. Takuji Aida, kinh tế trưởng tại ngân hàng Societe Generale cho rằng: “Việc hoãn tăng thuế kinh doanh đợt 2 sẽ làm giảm sự bất ổn trong nền kinh tế và kỳ vọng tăng trưởng cũng như lạm phát sẽ tăng lên. Điều này sẽ khiến các hoạt động của doanh nghiệp mạnh mẽ hơn”.
Giá dầu thấp
Tin tức từ Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ 4 thế giới, còn làm tăng áp lực lên giá dầu. Giá dầu thô đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây, rơi xuống mức 78 USD/thùng hôm thứ Hai.
Việc giá dầu giảm xuống dưới 80 USD/thùng đã khiến các nước trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lo lắng, trong bối cảnh Kuwait và Iran đang kêu gọi khối này có hành động cụ thể.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước đưa ra cảnh báo rằng lực cầu giảm, đồng đô la Mỹ tăng cao và việc bùng nổ sản xuất dầu tại Mỹ cho thấy “chúng ta đang bắt đầu một chương mới trong lịch sử của thị trường dầu mỏ”.
Giá dầu thấp cũng phần nào là con dao hai lưỡi với nền kinh tế toàn cầu: Một mặt nó giúp thúc đẩy GDP, nhưng nó cũng gây áp lực khiến lạm phát giảm. Lạm phát thấp vẫn là nỗi lo ở châu Âu và Vương quốc Anh, và là một phần trong mối quan tâm tại Mỹ, nơi kỳ vọng lạm phát trong dài hạn đã giảm xuống mức trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Châu Âu trì trệ
Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang lo ngại lạm phát thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế chung của khối khi mà lạm phát trong tháng 10 chỉ tăng có 0,4%. Khu vực này cũng đang phải vật lộn với tỉ lệ thất nghiệp cao, đang bị mắc kẹt ở mức 11,5% trong tháng 9.
Cũng có những dấu hiệu tích cực trong những ngày gần đây, điển hình là số liệu tăng trưởng kinh tế cao hơn dự kiến (0,2% so với quý trước) và giá trị thặng dư thương mại đang ở mức cao kỷ lục là 17,7 tỉ euro (22,1 tỉ USD) trong tháng 9 được công bố hôm Thứ Hai vừa qua.
“Nhìn chung, bức tranh quý III tốt hơn so với nỗi lo. Nhưng có vẻ có quá ít lý do để kỳ vọng sự phục hồi nhanh hơn ở khu vực này trong tương lai gần trừ phi ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và các chính phủ nước này có hành động lớn hơn”, các nhà phân tích tại công ty Daiwa Capital Markets bình luận.
Áp lực vẫn nặng gánh trên đôi vai của chủ tịch ECB Mario Draghi. ECB đã tung ra các biện pháp kích kích mới để đảo ngược sự giảm lạm phát. Trong khi đó, một số các chuyên gia đang kêu gọi một gói kích thích tương tự như chương trình mua trái phiếu của Cục dự trữ liên bang Mỹ.
Chủ tịch Mario Draghi hôm thứ Hai vừa nhắc lại rằng ông sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để kích thích nền kinh tế châu Âu nếu cần thiết và cho biết những biện pháp bổ sung có thể bao gồm cả việc mua trái phiếu chính phủ.