Những quyết sách lịch sử tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XIII
Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XIII của Đảng đã bế mạc với nhiều quyết sách quan trọng, mang tầm chiến lược, định hình định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Những quyết sách được thông qua tại Hội nghị không chỉ thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Ban Chấp hành Trung ương mà còn phản ánh tinh thần đổi mới, kiên định mục tiêu phát triển bền vững và phồn vinh cho Dân tộc.

Quyết sách chiến lược chưa từng có
Khái quát và kết luận một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao nội dung đề xuất nêu tại các tờ trình, báo cáo, đề án thuộc nhóm công việc về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của Đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của Nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ Nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân; đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
“Rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Lý giải việc gọi Hội nghị Trung ương 11 là Hội nghị Trung ương mang tính lịch sử, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương luôn bàn những việc quan trọng của Đất nước, nhưng Hội nghị Trung ương 11 lần này, Trung ương thảo luận và quyết định những vấn đề rất quan trọng, rất cốt lõi, rất cơ bản từ xưa đến nay chưa có trong tiền lệ.
"Từ khi thành lập nước đến nay, nước ta vẫn có tỉnh, huyện, xã, nhưng Hội nghị Trung ương 11 lần này quyết định chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã, không còn cấp huyện. Đây có thể nói là quyết định lịch sử chưa có trong tiền lệ vì liên quan đến vấn đề lớn của Đất nước", ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Trung ương thống nhất giảm 60% - 70% số xã
Trong lịch sử 80 năm, kể từ khi thành lập nước, Việt Nam đã trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách.
Năm 1945, khi thành lập nước, Việt Nam có 61 tỉnh, thành. Thời điểm số đơn vị hành chính cấp tỉnh nhiều nhất là sau khi thống nhất đất nước (tháng 4/1975), với 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Năm 1976, khi thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính trên diện rộng, cả nước còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là thời điểm có số lượng tỉnh, thành ít nhất. Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tại Hội nghị Trung ương 11, Trung ương đã thống nhất quyết định số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với cấp xã, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất sáp nhập để đảm bảo cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Hội nghị Trung ương 11 được tổ chức sớm hơn 1 tháng so với thông lệ bởi những yêu cầu vô cùng cấp bách để có thể hoàn thành các mục tiêu công việc mà Trung ương đề ra. Điều này cũng thể hiện rõ một tinh thần khẩn trương quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng ta.
Trong đó, việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã, là một quyết định lịch sử và cần thiết. Khi bộ máy được rút gọn, trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn, nguồn lực không bị phân tán và người dân - đối tượng phục vụ cuối cùng, sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (trước đây) cho rằng, một hệ thống chính trị, hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đang dần hình thành, đặt đất nước vào thế chủ động, tự tin bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo.
"Tôi cho rằng những thay đổi, cải cách lần này có tính chất lịch sử, bởi lẽ trong 80 năm chính quyền mới của chúng ta, đây là sự thay đổi lớn nhất về cấu trúc của mô hình quản trị quốc gia. Nó giải quyết những vấn đề chưa có tiền lệ. Tôi rất ấn tượng với ý chí, nỗ lực, quyết tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước", ông Mai Liêm Trực nêu quan điểm./.