“Những sức ép lên nền kinh tế đang được giảm dần”
Diễn biến kinh tế trong những tháng đầu năm cho thấy đã có những chuyển biến mới. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2013 ước tính tăng 4,89% so với mức 4,75% cùng kỳ năm 2012.
Điểm sáng… nhỏ
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ ra, trong quý I có hai điểm sáng. Thứ nhất, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 2,7 tỷ USD, tăng 7,1%, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong quý đạt 6,034 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu cả quý đạt 29,7 tỷ USD, tăng tới 19,7% so với cùng kỳ năm trước, dự báo cả năm 2013 sẽ vượt mục tiêu tăng 10% so với năm 2012, tức là khoảng 126 tỷ USD (năm thứ 4 liên tiếp xuất khẩu liên tục vượt tương đối xa so với kế hoạch đề ra.)
Theo ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán FLC, tốc độ tăng lạm phát trong 3 tháng đầu năm cũng đã thể hiện xu thế suy giảm. CPI tháng 1/2013 tăng ở mức cao 1,25% do giá điện và dịch vụ y tế tăng cuối năm trước CPI của tháng 2 (dù là tháng Tết) chỉ tăng ở mức thấp hơn mọi năm và CPI tháng 3 đã giảm 0,19% so với tháng trước.
“Như vậy, trong điều kiện không có điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, y tế..… kèm theo giá hàng hóa thế giới đã khá ổn định trong quý I vừa qua, kinh tế Việt nam sẽ không còn chịu nhiều sức ép lạm phát do tổng cầu giảm, tín dụng, cung tiền, vòng quay tiền không tăng mạnh. Bên cạch đó, việc CPI tăng thấp chính là cơ hội để Chính phủ giảm dần việc trợ giá cho những mặt hàng thiết yếu đồng thời tăng nguồn thu ngân sách,” ông Tuấn nhận định.
Nhìn từ góc độ tín dụng, hầu hết các chuyên gia có cùng quan điểm về việc giảm 1% các mức lãi suất chủ chốt trong tháng 3 vừa qua mới chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn. Bởi trong xu thế cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục suy giảm, ngay cả khi trần huy động lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng giảm về 6%/năm, lãi suất cho vay trung bình dài hạn về 10% thì cũng chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để nền kinh tế phục hồi.
“Nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hy vọng sẽ tạo hiệu ứng tốt trong việc giảm chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả đầu ra, đặc biệt là các điều kiện vay vốn, tạo động lực, khuyến khích đầu tư. Cũng như những chính sách điều hành của Chính phủ sẽ tiếp tục được đưa ra và tạo môi trường kinh doanh ổn định hơn. Tuy nhiên, để các giải pháp này đi vào cuộc sống cần phải có thời gian, nên theo tôi triển vọng kinh tế của quý II chưa thể xuất hiện những điểm khác biệt so với quý I. Năm nay sẽ là năm khó, thậm chí là ẩn chứa nhiều thách thức hơn so với năm 2012,” ông Phong dự báo.
Trong báo cáo gần đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) đã đưa ra những nhận định có phần lạc quan hơn, với tình hình thực tế hiện nay thì vẫn còn nhiều dư địa để giảm lãi suất huy động xuống 7% và lãi suất cho vay xoay quanh mức 10%/năm.
Hy vọng đan xen lo lắng
Theo Ngân hàng HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), ngành Sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt 50,8 điểm, mức cao trong vòng 23 tháng qua, điều này thể hiện mức cải thiện nhỏ về các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất nói chung và có thể đưa đến hi vọng về sự phục hồi từng bước của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Tuấn vẫn rất thận trọng, trong bối cảnh điều kiện kinh doanh cốt lõi chưa được cải thiện rõ ràng (như nguồn vốn, tổng cầu, nợ xấu, tái cấu trúc doanh nghiệp..) biểu hiện hồi lại của chỉ số PMI trong tháng 3 chưa có cơ cở vững chắc, nhiều khả năng đây là một sự tạm dừng trong một đà suy giảm lớn hơn vẫn đang tiếp diễn.
“Sự suy giảm của chỉ số PMI liên tục trong nhiều tháng trước đó đã tạo những hiệu ứng không tốt đến nền kinh tế vĩ mô. Do hoạt động đầu tư quá lớn trước đây, nên khi chỉ số suy giảm đã dẫn đến số nợ xấu gia tăng, tình trạng thất nghiệp, nợ lương cán bộ, nợ bảo hiểm xã hội... Những vấn đề này đã và đang làm giảm tổng chi tiêu của xã hội, từ đó có thể còn tác động ngược lại, làm giảm doanh thu của doanh nghiệp.
Nhiều khả năng chỉ số PMI trong những tháng tới sẽ tiếp tục sự biến động tăng hoặc giảm nhẹ, hiện nay vẫn chưa có nhiều tín hiệu mang tính chất nền tảng vững chắc cho sự hồi phục của nền kinh tế,” ông Tuấn phân tích.
Đồng tình với phân tích trên, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận, nói chung sức mua trên thị trường vẫn còn yếu, có thể thấy qua con số CPI giảm, tín dụng tăng trưởng âm, cho thấy sức cầu của người dân và đầu tư của doanh nghiệp còn yếu.
Doanh nghiệp tiếp tục phá sản phản ánh hai quá trình, thanh lọc các doanh nghiệp mang tính chất hình thức đồng thời các doanh nghiệp bình thường, không có yếu tố ngành nghề sản xuất kinh doanh đặc biệt thì cũng rất khó khăn. Thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng và đe dọa vào hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó ông Thành nhấn mạnh, việc doanh nghiệp chạy kế hoạch theo quý, cho thấy thực tế sản xuất cầm chừng, phản ánh tâm lý vẫn còn hoang mang, chưa xác định được rõ tương lai. Tâm lý hy vọng và thất vọng đan xen không rõ ràng thể hiện qua quá trình sản xuất cầm chừng, mang tính chờ đợi, tính chất rõ ràng dứt khoát là chưa có.
“Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng ngắn hạn theo quý, do đó doanh nghiệp rơi vào trạng thái chờ đợi tín hiệu. Thị trường vẫn rất phức tạp, trong khi nội lực doanh nghiệp không còn nhiều, dẫn đến tâm lý đầu tư lại nghiêng về lo lắng nhiều hơn là kỳ vọng,” ông Thành nói.
Với bối cảnh trên, các chuyên gia cho rằng, không thể chủ quan với một vài tín hiệu sáng bởi xu hướng lạm phát vẫn luôn rình rập. Chính phủ cần tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, khích lệ nhà đầu tư yên tâm hơn trong hoạt đầu tư kinh doanh, kích thích sản xuất và tạo ra tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chính sách điều hành phải mạnh dạn hơn, cụ thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần phải có các đột phá, như tạo ra những thể chế riêng biệt cho những khu vực, vùng kinh tế có tiềm năng phát triển lớn, nhằm thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư lớn trên thế giới, đẳng cấp về công nghệ, có tiềm lực tài chính mạnh, quy mô thị trường lớn...
Trước đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đã kiến nghị, các ngân hàng cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu đồng thời chính sách tài khóa cũng nên cân nhắc khả năng giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.