Những thành tựu nổi bật của hệ thống Kho bạc Nhà nước
Trải qua 30 năm đổi mới và phát triển (1/4/1990- 1/4/2020), hệ thống Kho bạc Nhà nước đã có những bước phát triển nhanh và bền vững. Những thành tựu nổi bật là nền tảng quan trọng để Kho bạc Nhà nước vững vàng bước vào giai đoạn mới.
Những thành tựu nổi bật của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong 30 năm đổi mới có thể khái quát trên một số lĩnh vực quan trọng sau:
Hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Quỹ Ngân sách nhà nước
Trong những năm qua, hệ thống KBNN luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN). Minh chứng là trong công tác thu NSNN, ngay từ ngày đầu tái thành lập, hệ thống KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu và chính quyền các cấp để tập trung kịp thời, quản lý an toàn các nguồn thu của NSNN; không ngừng đổi mới và đơn giản hóa quy trình, thủ tục thu nộp NSNN, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN... Đến hết năm 2019, tỷ trọng thu NSNN bằng tiền mặt chỉ còn khoảng 0,47% tổng thu qua KBNN.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ chi NSNN, KBNN cũng luôn quan tâm cải cách, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi như: đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư (từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc); triển khai cơ chế kiểm soát cam kết chi; từng bước chuyển từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước, kiểm soát sau; kiểm soát chi theo rủi ro… Nhờ đó, một mặt tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, mặt khác, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách.
Cải cách cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý điều hành ngân quỹ nhà nước
Cùng với việc xây dựng và triển khai các hệ thống thanh toán điện tử tập trung, công tác quản lý ngân quỹ cũng được chuyển đổi theo hướng quản lý tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống. Từ đó, đảm bảo được sự chủ động trong việc đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi tiêu của ngân sách các cấp.
Từ năm 2019, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước đã được tập trung về Ngân hàng Nhà nước, hình thành tài khoản kho bạc duy nhất theo thông lệ quốc tế, góp phần hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Trên cơ sở tập trung các nguồn lực tài chính về tài khoản thanh toán tập trung, các nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi đã được sử dụng có hiệu quả thông qua việc tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, để đầu tư cho các công trình trọng điểm, mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Kết quả, năm 2019, KBNN đã bước đầu nộp vào NSNN 5.000 tỷ đồng nguồn thu từ hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách và cho đầu tư phát triển
30 năm qua, hệ thống KBNN đã thực hiện tốt công tác phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), đáp ứng kịp thời nhu cầu cân đối NSNN, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Cơ chế phát hành được hiện đại hóa theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ theo hướng bền vững, an toàn và giảm thiểu rủi ro đảo nợ của NSNN. Phương thức phát hành được hiện đại hóa, chuyển từ bán lẻ sang đấu thầu điện tử.
Các sản phẩm TPCP cũng được đa dạng hóa về loại hình, kỳ hạn. Lãi suất TPCP bám sát diễn biến thị trường, có xu hướng giảm dần và từng bước trở thành lãi suất định hướng trên thị trường vốn (mặt bằng lãi suất đã giảm từ mức trung bình khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2007 - 2011 còn 4,51%/năm vào năm 2019)...
Thực hiện tốt công tác kế toán ngân sách nhà nước
Với việc xây dựng và triển khai thành công Hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) trên toàn quốc, công tác kế toán NSNN trong hệ thống KBNN được cải cách căn bản theo hướng chuyển từ mô hình kế toán phân tán sang mô hình tập trung; chuyển từ kế toán trên cơ sở tiền mặt sang kế toán tiền mặt điều chỉnh, mở rộng phạm vi kế toán nhà nước...
Ngoài việc vận hành thành công Hệ thống TABMIS, thực hiện Luật Kế toán năm 2015, KBNN đã tích cực đôn đốc và phối hợp để đảm bảo việc tổng hợp, lập báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ và báo cáo trước Quốc hội vào tháng 5/2020. Báo cáo tài chính nhà nước sẽ phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý điều hành và tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản của Nhà nước
30 năm qua, KBNN thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, các ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường các giải pháp bảo mật; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nội bộ đi đôi với tăng cường đào tạo, nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức.
Đồng thời, không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, duy trì kỷ cương, kỷ luật, quy định rõ phạm vi, trách nhiệm, những việc không được làm của từng công chức gắn với thưởng, phạt nghiêm minh. Nhờ vậy, KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối tiền và tài sản của Nhà nước giao quản lý.
Tập trung ưu tiên hiện đại hóa công nghệ quản lý để phát triển nhanh và bền vững
Thành quả nổi bật trong việc hiện đại hóa công nghệ quản lý KBNN 30 năm qua là việc xây dựng và triển khai thành công Hệ thống TABMIS trên phạm vi toàn quốc, qua đó gắn kết chặt chẽ các khâu của quy trình quản lý NSNN, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công. Bên cạnh hệ thống TABMIS, các ứng dụng công nghệ thông tin khác trong quản lý, quản trị hoạt động của KBNN cũng được phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu cải cách tài chính - ngân sách và quản trị nội bộ KBNN.
Đánh giá về những thành tựu nổi bật của hệ thống Kho bạc sau 30 năm đổi mới, Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn cho biết, có được những thành tựu đó là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng như sự nỗ lực bền bỉ của các thế hệ công chức KBNN vì mục tiêu xây dựng hệ thống KBNN ngày càng phát triển hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.