Niềm tin vào chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện
(Tài chính) Ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng hàng đầu hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng trong thời gian qua. Quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực, nhờ đó niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và vào TTCK Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục được cải thiện.
Đó là nội dung chính ghi nhận từ Hội nghị đầu tư Vietnam Access Day 2014 do Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) và Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức diễn ra hôm qua tại TP. Hồ Chí Minh.
Vĩ mô thuận lợi
Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Viet Capital, trong bài phát biểu khai mạc đã nói: “Trải qua nhiều năm đầy thách thức, nền kinh tế đã có những dấu hiệu cho thấy triển vọng lạc quan hơn”. Tăng trưởng GDP năm 2013 là 5,43%, dù thấp hơn mức bình quân 7,5 - 8% thời gian trước đó, nhưng trong bối cảnh chung thì đây con số tương đối tích cực.
Bên cạnh đó, lạm phát 6,02% là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, tiền đồng chỉ mất giá 1% đã khiến nhiều người ngạc nhiên, khi VND là đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 12,5 tỷ USD cũng là một điều ngạc nhiên, cao hơn mức dự báo 20%...
Trong bối cảnh đó, TTCK đã có một năm tích cực với sự tăng điểm ấn tượng của 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index. Nhà đầu tư nước ngoài đã đổ thêm hơn 6.800 tỷ đồng (320 triệu USD) vào TTCK Việt Nam trong năm 2013.
Theo bà Phượng, chứng khoán Việt Nam hiện vẫn không được xem là đắt. Việc nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài sắp tới sẽ là chất xúc tác cho thị trường. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới cũng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước lần này được thực hiện với quyết tâm cao hơn, sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn.
Về TPP, Luật sư Fred Burke, đại diện Công ty Luật Baker & Mc Kenzie nhận định, hiệp định thương mại quan trọng này sẽ ngay lập tức hỗ trợ tăng trưởng GDP và duy trì tăng trưởng kinh tế dài hạn. TPP sẽ đặt Việt Nam vào “cơn lốc thương mại” của nó, hiệp định này cũng là các tiêu chuẩn cho các hoạt động thương mại và đầu tư sắp tới trên thế giới.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, động lực tăng trưởng ngắn hạn trong năm 2014 là đầu tư công và tín dụng đối với khu vực tư nhân. Chính phủ sẽ huy động một lượng vốn lớn từ trái phiếu để tái khởi động các dự án đầu tư công vốn bị đình trệ do khủng hoảng kinh tế và chính sách thắt chặt đầu tư trước đó. Theo kế hoạch, tổng lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh trong năm 2014 lên đến 10 tỷ USD.
Về tín dụng, việc giải quyết nợ xấu là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo điều kiện để ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Một ngày trước khi diễn ra Vietnam Access Day 2014, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 0,5 điểm phần trăm đối với một loạt lãi suất điều hành. Theo ông Thành, quyết định này chỉ phản ảnh những gì thực tế đã diễn ra trên thị trường. Về lý thuyết, lãi suất giảm sẽ hỗ trợ rất tốt cho TTCK, nhưng liệu lãi suất giảm có khiến tiền chảy vào chứng khoán một cách trực tiếp hay không thì còn phải chờ đợi thời gian trả lời.
Về trung hạn, việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước bao gồm cổ phần hoá và thoái vốn khỏi những lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính sẽ giúp cải thiện tính ổn định của nền kinh tế.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán bên lề hội nghị, ông Thành nói: “Ðiểm quan trọng là lộ trình cổ phần hoá và thoái vốn lần này đã có danh mục cụ thể, không còn chung chung như trước đó. Bên cạnh đó, chính sách tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cũng rất quyết liệt, mặc dù cho đến nay kết quả thực tế vẫn chưa rõ ràng”.
Ông Thành cho biết, nếu quan sát diễn biến TTCK thời gian qua, có thể thấy thị trường tăng điểm chủ yếu là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, dù bối cảnh kinh doanh vẫn chưa hết khó khăn, nhưng những doanh nghiệp bị tác động bởi suy thoái kinh tế đang phải tự điều chỉnh mình. Số liệu về tiền đóng thuế của các doanh nghiệp cho thấy xu hướng lợi nhuận suy giảm đang chững lại. TTCK trước đó chưa phản ánh những thông tin mới này.
Lạc quan về Việt Nam
Kinh tế vĩ mô ổn định và triển vọng tốt hơn trong năm 2014 đang khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đến Việt Nam và đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Nhiều quỹ đầu tư khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán cho biết, họ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực hàng tiêu dùng và hạ tầng.
Consilium Investment Capital là công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Mỹ hiện đang quản lý một quỹ đầu tư có quy mô 250 triệu USD. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Andres Calderon, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư nói: “Ðây là lần đầu tiên đến Việt Nam, nhưng tôi có những người bạn đã đầu tư nhiều vào Việt Nam. Quỹ của chúng tôi chuyên đầu tư vào các thị trường sơ khai và mới nổi. Chúng tôi thấy tại Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội. Chúng tôi quan tâm đến các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, ngành dịch vụ và những lĩnh vực nội địa khác, không phải ngành xuất khẩu. Tôi nghĩ tôi sẽ còn tiếp tục quay lại Việt Nam”.
Ông Andreas Karall, Tổng giám đốc Asia Frontier Capital (AFC), nói: “Chúng tôi có 2 quỹ mở với quy mô vốn tổng cộng là 13 triệu USD, trong đó 1 quỹ có đầu tư vào Việt Nam. Con số này còn nhỏ vì chúng tôi cũng mới thành lập cách đây 3 tháng. Triển vọng kinh tế Việt Nam rất tích cực và chúng tôi hy vọng có thể huy động thêm vốn để đầu tư vào Việt Nam”. Ông cho biết, các quỹ của AFC quan tâm đến các cổ phiếu có vốn hoá nhỏ và vừa trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi đến đây rất mong tìm được những công ty trong những lĩnh vực này”, Andreas Karall nói.
Còn ông Angus Potter, Giám đốc tư vấn tài chính, Saga Tree Capital Advisory Pte. Ltd., cho biết, hiện công ty ông đang quản lý một quỹ với quy mô 150 triệu USD, đã đầu tư một phần vốn vào Việt Nam. “Lĩnh vực chúng tôi quan tâm là hàng tiêu dùng. Tôi thấy kinh tế Việt Nam đang tiến triển rất tốt. Chúng tôi đến hội nghị này để tìm hiểu thêm các cơ hội đầu tư”, ông nói.
Trong khi đó, đại diện một công ty quản lý quỹ đề nghị không nêu tên nói, công ty ông đang quản lý nhiều danh mục đầu tư vào Việt Nam. “Chúng tôi thấy những tiến triển của kinh tế Việt Nam khá chậm và các nhà đầu tư cần kiên nhẫn hơn. Tuy nhiên, chúng tôi không quan tâm lắm đến các yếu tố vĩ mô, mà chỉ quan tâm đến hiệu quả của từng doanh nghiệp cụ thể. Những lĩnh vực nào có doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là mối quan tâm của chúng tôi, ví dụ như hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng. Chúng tôi không thất vọng vì những chuyển biến chậm của nền kinh tế, và chúng tôi cho rằng, việc cổ phần hoá mà tôi được nghe trình bày tại Hội nghị sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư”.
Có lẽ vì mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, nên sau 2 ngày hội nghị, vào ngày 20/3, Ban tổ chức Vietnam Access Day sẽ đưa các nhà đầu tư đi thực tế hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp, như đến thăm nhà máy của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) và Nhà máy Nước Thủ đức của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII), bên cạnh dự án của Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc đất Xanh (DXG).
Bà Phượng nói: “Khi bắt đầu có kế hoạch tổ chức Vietnam Access Day, chúng tôi muốn đưa các nhà đầu tư và những doanh nghiệp hàng đầu, năng động nhất của Việt Nam đến với nhau, để các bên có thể chia sẻ tư tưởng, kinh nghiệm và quan trọng nhất là tạo sự kết nối. Một khi đã có sự kết nối, giá trị sẽ được tạo ra. Chúng tôi tự hào về những phản hồi tích cực từ lần tổ chức hội nghị đầu tiên, hy vọng lần này sẽ tạo ra những cơ hội tốt hơn để các đối tác có thể đến với nhau”.
“TTCK tăng điểm chủ yếu nhờ vĩ mô ổn định”
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
“Ðộng lực tăng trưởng ngắn hạn trong năm 2014 là đầu tư công và tín dụng đối với khu vực tư nhân. Chính phủ sẽ huy động một lượng vốn lớn từ trái phiếu để tái khởi động các dự án đầu tư công vốn bị đình trệ trước đó. Theo kế hoạch, tổng lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu do Chính phủ bảo lănh trong năm 2014 lên đến 10 tỷ USD… Nếu quan sát diễn biến TTCK thời gian qua, có thể thấy thị trường tăng điểm chủ yếu là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, còn các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn”.
“Chọn doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng”
Ông Florian Weidinger, CEO Hansabay
Hansabay là một công ty quản lý quỹ đầu tư chuyên săn mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư đang có mức chiết khấu cao. Hiện tổng tài sản các quỹ mà Công ty đang quản lý khoảng 65 triệu USD. Hansabay đã mua chứng chỉ quỹ của một số quỹ đầu tư vào Việt Nam đang có chứng chỉ quỹ niêm yết ở thị trường nước ngoài. Công ty cũng đang tìm cơ hội đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là lý do tôi đến sự kiện này.
Hansabay có trụ sở ở Singapore. Tiền giải ngân cho các quỹ đầu tư vào Việt Nam chiếm khoảng 5% giá trị tài sản của danh mục của Công ty. Nếu sau này đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam, Hansabay sẽ chọn những doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.