Nikkei: Các nhà bán lẻ ngoại đang đổ xô giành thị phần tại Việt Nam
Các nhà bán lẻ ngoại vẫn còn nhiều cơ hội bởi Việt Nam hiện có chỉ khoảng 1.000 siêu thị và khoảng 2.000 cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ này lần lượt tương đương 1/20 hoặc 1/30 so với ở Nhật Bản.
Các nhà bán lẻ từ khắp châu Á đang đổ vào Việt Nam khi mà chính phủ Việt Nam nới lỏng các biện pháp hạn chế doanh nghiệp ngoại, họ đua nhau đưa các cửa hàng tiện lợi và siêu thị vào một thị trường vốn được thống trị bởi doanh nghiệp nhỏ.
Dù kinh tế Việt Nam chưa phát triển như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, thế nhưng nhiều nhà sản xuất như hãng điện tử Samsung Electronics đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam từ bao lâu nay. Giờ đây các hãng bán lẻ đang tiếp bước.
Một trong những tên tuổi mới đang đặt kỳ vọng vào thị trường bán lẻ Đông Nam Á chính là chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25. Chuỗi cửa hàng xứ kimchi này đã gia nhập TP. Hồ Chí Minh từ tháng 1/2018.
GS Retail, công ty Hàn Quốc sở hữu GS25, đặt kế hoạch sẽ mở khoảng 50 cửa hàng tại Việt Nam trước thời điểm cuối năm nay và muốn mở rộng mạng lưới ra khoảng 2.500 điểm bán hàng trong 1 thập kỷ. Tại thị trường Hàn Quốc, GS25 có khoảng 12.000 cửa hàng.
Ở ngoại ô TP. Hồ Chí Minh, hãng bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc – E-Mart, từ cuối năm 2015 đã khai trương đại siêu thị E-Mart trên khu đất rộng 3 hecta bán đủ chủng loại mặt hàng, từ thực phẩm cho đến quần áo, đồ gia dụng để hút khách hàng.
Người dùng ưa chọn thực phẩm tươi sống ở đây. Trên đà chiến thắng, E-Mart nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở thêm 10 cửa hàng hoặc nhiều hơn nữa tại Việt Nam.
Trong khi đó, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đang có kế hoạch sẽ tăng số lượng siêu thị Lotte tại Việt Nam lên 87 từ con số 13 ở hiện tại. Một nhà điều hành tại tập đoàn Lotte gọi Việt Nam là thị trường quan trọng nhất tại châu Á.
Năm 2017, tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt kỷ lục 129,6 tỷ USD.
Từ năm 2009, hai năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu toàn bộ cổ phần của doanh nghiệp bán lẻ theo một số điều kiện nhất định.
Nếu xét về mức độ cởi mở của thị trường, có thể thấy Việt Nam thậm chí đi trước cả Indonesia. Các thỏa thuận về thương mại tự do và hợp tác kinh tế với Nhật đã khuyến khích Việt Nam tự do hóa nền kinh tế hơn nữa.
Năm 2016, Việt Nam giảm bớt những rào cản đối với các cửa hàng có diện tích dưới 500 mét vuông, các cửa hàng tiện lợi nước ngoài vì vậy phát triển bùng nổ. Theo điều khoản của hiệp định CPTPP, cuối cùng các doanh nghiệp này có thể mở cửa hơn nữa mà không cần đến sự rà soát của chính phủ.
Tập đoàn Seven & i Holdings có kế hoạch mở khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Việt Nam trước năm 2027, còn chuỗi B’Mart của Thái Lan đang đặt mục tiêu mở khoảng 3.000 cửa hàng. Một người dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã từ lâu cô không còn đi chợ nữa: “Các cửa hàng tiện lợi ở khắp nơi, chúng vô cùng tiện”.
Nhiều năm nay, những cửa hàng gia đình quy mô nhỏ đã thống trị thị trường bán lẻ Việt Nam và giờ đây vẫn vậy. Trong năm nay, những nhà bán lẻ hiện đại, ví như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… mới chỉ chiếm 5,4% trong tổng số các nhà bán lẻ thực phẩm ở Việt Nam, tỷ lệ thấp nhất tại Đông Nam Á.
Thế nhưng khi thu nhập của người dân cải thiện, ngày một nhiều người Việt Nam chấp nhận trả tiền cao hơn cho những món hàng chất lượng tại các cửa hàng tiện lợi. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mỗi năm 7%, GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 2.385 USD. Tại TP. Hồ Chí Minh, con số này ở trên mức 5.000 USD.
Như vậy có thể thấy các nhà bán lẻ ngoại vẫn còn nhiều cơ hội bởi Việt Nam hiện có chỉ khoảng 1.000 siêu thị và khoảng 2.000 cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ này lần lượt tương đương 1/20 hoặc 1/30 so với Nhật.
Không ít người đã lo lắng về việc các hãng bán lẻ vào Việt Nam quá nhiều. Một đại biểu Quốc hội từng bày tỏ lo ngại: “Nếu các công ty ngoại thống trị thị trường Việt Nam, chắc chắn các công ty nội địa và người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải trả giá”.
Thế nhưng các đối thủ nội không chấp nhận ngồi yên. VinMart+, bộ phận bán lẻ của tập đoàn bất động sản Vingroup, đã có kế hoạch sẽ nâng gấp 4 lần số cửa hàng trong hệ thống lên 4.000 cửa hàng trước năm 2020. Thế giới Di động, một công ty hàng đầu về bán lẻ điện thoại di động, cũng đã có được 375 cửa hàng trong 3 năm và đặt mục tiêu sẽ có khoảng 500 cửa hàng trước thời điểm cuối năm nay.
CEO của Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài, nhận định Việt Nam sẽ cần đến vài nghìn cửa hàng bán lẻ hiện đại, nếu tiếp tục phát triển được cửa hàng, công ty sẽ giành được thị phần.