Nợ công nhảy qua mốc 22.000 tỉ USD, Mỹ sắp “cạn tiền mặt”?
Nợ công của Mỹ chính thức chạm trần vào ngày 2-3, vượt qua con số 22.000 tỉ USD. Trong bối cảnh hạn chót nâng trần nợ vẫn còn cách xa vài tháng, giới phân tích lo ngại tình hình diễn biến xấu.
Theo Business Insider, Bộ Tài chính Mỹ có thể sử dụng "biện pháp đặc biệt" để phân bổ các nguồn ngân sách và ngăn chặn rủi ro nợ công vượt trần trong vài tháng trong lúc chờ đợi Quốc hội đình chỉ hoặc nâng trần nợ.
Báo cáo được Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố hôm 26/2 nhận định Bộ Tài chính không đủ khả năng "xoay sở" cho đến thời điểm gần cuối năm tài chính 2019, tức vào tháng 9, hoặc đầu năm tài chính tiếp theo, bắt đầu vào ngày 1/10. Cuối cùng, theo CBO, Bộ Tài chính sẽ cạn tiền mặt.
"Với lượng lớn tiền thuế thu về trong tháng 4, những biện pháp đặc biệt này có thể giúp Bộ Tài chính tiếp tục cung cấp ngân sách cho các hoạt động của chính phủ trong nhiều tháng…Tuy nhiên, nếu giới hạn nợ không thay đổi, các biện pháp đặc biệt đó cuối cùng sẽ kết thúc và Bộ Tài chính sẽ cạn tiền mặt vào thời điểm gần cuối năm tài chính 2019 hoặc đầu năm tài chính tiếp theo" – CBO nhấn mạnh.
Theo CBO, sau khi các biện pháp đặc biệt kết thúc Bộ Tài chính sẽ phải hoãn trả nợ, không đủ khả năng trả nợ hoặc cả 2. Các biện pháp đặc biệt có thể kết thúc trước hoặc sau thời điểm ước tính – CBO cho biết.
Nâng trần nợ là một trách nhiệm quan trọng của Quốc hội vì nếu không làm thế, Mỹ nhiều khả năng vỡ một số khoản nợ của họ, gây ảnh hưởng xấu đến xếp hạng tín nhiệm Mỹ, thị trường cổ phiếu và kinh tế toàn cầu.