Nợ công Trung Quốc tăng "khủng"

Theo TTXVN

Giữa bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ ở mức 6,7% trong sáu tháng đầu năm 2016, những nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế của Bắc Kinh tiếp tục vấp phải một thách thức lớn mang tên "Tín dụng không hiệu quả".

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chuyên gia về các thị trường mới nổi Ruchir Sharma của ngân hàng Morgan Stanley cho hay nợ của Trung Quốc trong khoảng 5-7 năm trở lại đây lớn chưa từng thấy và vượt xa tất cả các quốc gia đang phát triển khác.

Trong khi đó, tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay để tạo ra tăng trưởng kinh tế lại giảm đến sáu lần so với cách đây vài năm.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này đó là sự yếu kém trong việc sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp nhà nước.

Chuyên gia Ruchir Sharma nhận định mặc dù chính sách nới lỏng tiền tệ cùng chủ trương tăng cường chi tiêu công có thể giúp Bắc Kinh tránh được kịch bản GDP tăng trưởng ảm đạm, song việc tính hiệu quả của những chính sách này đang suy giảm, đi kèm với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp vỡ nợ và các khoản nợ không thanh toán được đã đặt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào những rủi ro nhất định.

Tổng nợ trái phiếu của Trung Quốc đã tăng hơn 50% trong 18 tháng qua, lên mức 57.000 tỷ nhân dân tệ (8.500 tỷ USD), tương đương khoảng 80% GDP của đất nước.

Trong khi đó, các chính sách chi tiêu xã hội mới của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng tăng đến 10,9% trong sáu tháng đầu năm 2016, đạt mức 9.750 tỷ nhân dân tệ.

Ngoài tình trạng sử dụng không hợp lý nguồn vốn vay, giới chức Trung Quốc còn đang đau đầu với xu hướng già hóa dân số khi mới đây người phát ngôn Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội của Trung Quốc Li Zhong đã cảnh báo lực lượng lao động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm đến 23% vào năm 2050 do dân số già đi nhanh chóng.

Theo Li Zhong, số người trong độ tuổi lao động (từ 16-59 tuổi) tại Trung Quốc sẽ giảm từ con số 911 triệu người được ghi nhận trong năm 2015 xuống chỉ còn 700 triệu người vào năm 2050. Đây được coi là hậu quả của chính sách một con gây nhiều tranh cãi mà Bắc Kinh đã áp dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Hiện, dân số Trung Quốc có đến 220 triệu người trên 60 tuổi, chiếm đến 16% tổng dân số.

Liên quan đến đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, trong khuôn khổ hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 23/7 khẳng định ông và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã nhất trí rằng Bắc Kinh cần phải đẩy nhanh quá trình cải cách cơ cấu nền kinh tế, đồng thời tăng cường tính minh bạch của hệ thống giao dịch đồng nhân dân tệ.