Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng


Tổng cục Thuế cho biết tình hình nợ đọng thuế trong quý I/2019 diễn biến phức tạp và đang có xu hướng tăng dần lên qua các tháng.

Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng.
Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng.

Theo đó, vấn đề nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng. Tính đến 31/3/2019 số nợ đọng là 82.972 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019, tăng 8,7% (+6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018; giảm 0,8% (-686 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 (31/3/2018). Trong đó: Tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng số tiền thuế nợ thuế và nợ không còn khả năng thu là 37.640 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế.

Ngoài nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế (NNT) chưa cao, chưa nộp đúng, đủ, kịp thời số phát sinh phải nộp vào NSNN theo quy định của pháp luật thì còn có nguyên nhân chủ quan do các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế nên hiệu quả công tác thu nợ chưa cao.

Chính sách thuế lớn, khối lượng công việc lớn, do đó cần có chương trình tuyên truyền một cách căn cơ, cụ thể vì đây thực sự là một công đoạn quan trọng của công tác quản lý thuế. Tuyên truyền để người nộp thuế hiểu được chính sách thuế để chủ động nộp đúng, nộp đủ".

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Thực tế, nợ đọng thuế tăng ở hầu hết các địa phương, ngoài nguyên nhân khách quan, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản và một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao và số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được, số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên thì nguyên nhân chủ quan như việc các doanh nghiệp kê khai thuế tháng 12/2018, quý 4/2018 và quyết toán thuế năm 2018 phát sinh thuế phải nộp nhưng chưa nộp kịp thời, đúng hạn vào ngân sách nhà nước.

Qua kiểm toán quyết báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 tại các địa phương, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị ghi tăng thêm số nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (3.440 tỷ) của các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, chưa đi vào khai thác sử dụng, cơ quan Thuế đã kiến nghị UBND địa phương, Bộ Tài nguyên môi trường thu hồi đất, thu hồi dự án và Cục Thuế các địa phương chưa tổng hợp vào tổng số nợ đọng.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I và tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý thuế năm 2019, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, thời điểm 31/3/2019, tổng nợ do đơn vị quản lý là 21.346 tỷ đồng, tăng 2.160 tỷ (tăng 12,4%) so với 31/12/2018.

Nguyên nhân nợ thuế, phí tăng so với đầu năm là do phát sinh nợ từ quyết toán thuế năm 2018. Một số DN nộp sang tháng 4/2019, một số DN chưa thu xếp ngay được nguồn để nộp.

Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, thu và xử lý điều chỉnh nợ năm 2018 chuyển sang được 1.748 tỷ đồng. Trong đó thu xử lý nợ thuế, phí: 853 tỷ; thu xử lý nợ các khoản liên quan đến đất 375 tỷ. Thu xử lý nợ tiền phạt và tiền chậm nộp: 520 tỷ. Số nợ đọng đến thời điểm 30/4/2019: 20.010 tỷ, giảm 1.336 tỷ đồng (6,3%) so với thời điểm 31/3/2019.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tâm, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết nguyên nhân số thu 3 tháng đầu năm của Thành phố thấp hơn cùng kỳ năm 2018 chủ yếu do nguyên nhân thu từ đất giảm. Số thu từ đất quý I/2019 thấp hơn cùng kỳ 2018 khoảng 5.000 tỷ.

Ngoài ra, nợ quý I/2019 so với 2018 tăng chủ yếu phát sinh tiền thuê đất 1.800 tỷ. Có những khoản nợ ghi nhận nợ nhưng kê khai một chỗ khác nên thông báo chưa về kịp, số nợ tương đương 1.827 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tính đến thời điểm 31/3, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, thu được 2.476 tỷ đồng, tương đương 11,24% trên tổng số nợ tính đến thời điểm 31/12/2018 là 22.029 tỷ đồng.