Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Mở rộng quyền xóa nợ thuế cho địa phương


Đây là một trong những nội dung được tiếp thu, chỉnh sửa trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định rõ thẩm quyền xóa nợ thuế. Nguồn: internet
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định rõ thẩm quyền xóa nợ thuế. Nguồn: internet

Sau khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Đồng thời, đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người đi thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế.

Tiếp thu các ý kiến đề xuất, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng mở rộng quyền xóa nợ thuế cho địa phương.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có thẩm quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm.

Đối với các trường hợp khác còn lại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm.

Với khoản nợ từ 5 tỷ đồng trở lên, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc quy định rõ thẩm quyền xóa nợ thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là cần thiết. Quy định này góp phần xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn các khoản nợ đọng thuế còn tồn đọng, chưa có cơ chế xử lý. Đồng thời, làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của các cấp trong công tác quản lý thuế.

Cho rằng việc xóa nợ là giải pháp được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới, PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan - Học viện Tài chính cho biết, để phản ánh trung thực thực trạng nợ thuế và giảm áp lực không thực sự cần thiết trong quản lý cho cơ quan thuế, giảm tình trạng nợ ảo do các khoản nợ không thể thu hồi bị tính tiền phạt chậm nộp, một số nước đã thực hiện chính sách xóa nợ thuế cho những đối tượng nợ thuế đã chết, mất tích, phá sản, không còn khả năng thanh toán các khoản nợ thuế với ngân sách…