Nỗ lực bình ổn tài chính-ngân hàng Việt Nam đang đi đúng hướng
(Tài chính) Theo nhận định của bà Alderman Fiona Woolf - Thị trưởng Trung tâm Tài chính London, nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam có thể mang lại nhiều cơ hội lớn và lợi ích lâu dài cho giới đầu tư Vương quốc Anh.
Đề cập 3 lĩnh vực chủ yếu mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhằm bình ổn khu vực tài chính - ngân hàng (gồm tái cơ cấu ngân hàng thương mại, giải quyết nợ xấu và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế), bà Woolf cho rằng việc tập trung giải quyết các vấn đề của khu vực dịch vụ tài chính nói chung là một hướng đi đúng đắn.
Đó là một vòng tuần hoàn vì khu vực tài chính tiếp thêm nguồn lực cho nền kinh tế. Tài chính ổn định sẽ giúp bình ổn nền kinh tế và kinh tế ổn định sẽ góp phần thúc đẩy khu vực tài chính tăng trưởng.
Giới đầu tư Anh đang trông đợi cơ hội thiết lập quan hệ đối tác nhằm thu hút thêm vốn đầu tư vào khu vực tài chính và ngân hàng của Việt Nam. Điều này cũng tạo điều kiện để các ngân hàng tự đổi mới và tăng nguồn cung tín dụng, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo bà Woolf, sự ổn định của khu vực ngân hàng là rất quan trọng. Điều này đã được rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong bối cảnh khu vực tài chính và ngân hàng đang được bình ổn bằng một lượng vốn lớn, Việt Nam cần có những quy định mới để ứng phó rủi ro.
Bà nhấn mạnh cạnh tranh sẽ giúp thúc đẩy cải cách, tạo điều kiện để giảm phí dịch vụ. Nếu cạnh tranh hiệu quả, các công ty cũng sẽ được vận hành tốt, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Khi khu vực ngân hàng có thể cung ứng tín dụng cho tất cả các ngành, điều đó sẽ tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô và giúp đa dạng hóa nền kinh tế.
Bà Woolf cho rằng hiện nay nhiều nước đang phải đối mặt với vấn đề nợ xấu trong khu vực ngân hàng và Trung tâm Tài chính London đang hợp tác và hỗ trợ nhiều nước triển khai các kế hoạch giải quyết vấn đề này.
Theo bà, việc giải quyết nợ xấu đòi hỏi một giải pháp tổng thể, cần có thời gian và trước tiên phải tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Điều quan trọng là phải tạo ra môi trường kinh doanh cởi mở và dễ đoán định hơn, từ đó thu hút sự tham gia của giới đầu tư nước ngoài.
Bà cho biết một số ngân hàng Anh như Standard Chartered, HSBC... nhận thấy Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với nhiều tiềm năng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nghiên cứu xem xã hội Việt Nam hiện đại cần gì từ khu vực tài chính ngân hàng.
Chia sẻ những kinh nghiệm cổ phần hóa, bà cho biết 25-30 năm trước, Vương quốc Anh đã triển khai khá thành công quá trình này. Việc chuyển đổi các công ty sang hướng cổ phần không chỉ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh mà còn cải thiện tiêu dùng. Đây cũng là một trong những điều kiện để tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, từ đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đề cập triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung, Vương quốc Anh nói riêng, bà Woolf khẳng định giới đầu tư Anh đang chờ đợi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU. Họ ủng hộ và mong muốn hiệp định này được ký càng sớm càng tốt bởi nó mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và các nước EU.