Tỉnh Hậu Giang:

Nỗ lực giữ nhịp sản xuất


Các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực vượt khó, duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, không để sản xuất “đóng băng” và cùng đồng hành với tỉnh giữ vững thành quả chống dịch.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong tháng 7 ngành sản xuất chế biến thực phẩm của tỉnh Hậu Giang vẫn tăng trưởng 11,64% Ảnh: T. Ngọc
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong tháng 7 ngành sản xuất chế biến thực phẩm của tỉnh Hậu Giang vẫn tăng trưởng 11,64% Ảnh: T. Ngọc

Vượt khó duy trì sản xuất

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 và kéo dài cùng với các đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch làm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang phải đối mặt không ít khó khăn. Có công ty phải tạm ngưng, có nơi giảm quy mô, công suất sản xuất nhà máy, thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất để đảm bảo các đơn hàng, không để đứt gãy sản xuất.

Tại Cụm công nghiệp TP. Vị Thanh, trước các đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, có 20 doanh nghiệp đang hoạt động và giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương và các vùng lân cận. Trong một tháng nay, còn 5 doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động thực hiện theo phương châm 5K và 3 tại chỗ với 261 công nhân.

Trong đó, CTCP May Nhà Bè Hậu Giang là đông nhất với 200 công nhân. Bà Trương Thủy Long Vân, quản lý nhân sự của công ty, cho biết: Mỗi doanh nghiệp theo điều kiện của mình có sự hỗ trợ khác nhau, riêng công ty chăm lo chỗ nghỉ, 3 bữa ăn và đồ ăn nhẹ bổ sung để đảm bảo sức khỏe cho số lượng công nhân ở lại làm việc, hỗ trợ thêm ngoài lương của tháng 7 để khích lệ tinh thần người lao động trong thời gian khó khăn này.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng Ban quản lý Cụm công nghiệp TP. Vị Thanh, cho biết: Khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp không chỉ về chi phí sản xuất mà đang trong thời gian cao điểm của các đơn đặt hàng trong và ngoài nước, phục vụ thị trường cuối năm. Dù lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ” nhưng số lượng ít hơn so với nhu cầu thực tế, quy mô sản xuất giảm, dẫn đến nguy cơ không đạt số lượng đã ký kết hợp đồng. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch bệnh nên khó khăn về nguyên liệu đầu vào, hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm và nhất là khâu vận chuyển mất nhiều thời gian.

Còn tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, từng là công ty có số lượng lao động cao nhất tỉnh với khoảng 14.000 lao động, nhưng hiện chỉ có 130 lao động ở lại sản xuất và phương án sẽ tiếp nhận thêm 249 lao động tại địa phương vào làm theo “3 tại chỗ”.

Nhưng theo ông Trần Công Minh Khoa, Phó Tổng giám đốc công ty, với số lượng công nhân hiện nay chỉ để tiếp tục các đơn hàng dở dang trước đây, còn về lâu dài để lên phương án sản xuất là một bài toán khác. Ở đây, doanh nghiệp rất cần kết nối thông tin nhanh chóng, chắc chắn để có sự chuẩn bị.

Chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mới

Ông Đoàn Thanh Vũ - Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, thông tin: Hiện có hơn 30 doanh nghiệp thuộc các khu, cụm công nghiệp của Ban quản lý đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Cần phải đánh giá trong một tháng qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh, nỗ lực của doanh nghiệp và ý thức hợp tác của người lao động, mà tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh không xuất hiện ca F0.

Tình hình được kiểm soát tốt và hiện nay vẫn có doanh nghiệp đang trình phương án nối lại hoạt động, tiếp nhận công nhân chờ được xét duyệt. Dù trong giai đoạn này chi phí sản xuất sẽ đội lên cao cùng với tâm lý của người lao động khi làm việc tại chỗ trong thời gian dài là 2 trong số nhiều vấn đề mà doanh nghiệp phải giải quyết.

Chuẩn bị cho giai đoạn phòng chống dịch tiếp theo, Ban quản lý Cụm công nghiệp TP. Vị Thanh cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động lại xây dựng phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và sản xuất trong tình hình mới và đã có 6 doanh nghiệp hoàn chỉnh trình lên thành phố xem xét. Mặt khác, thành phố cũng đã tổ chức tiêm vắc-xin mũi 1 cho 445 công nhân tại cụm công nghiệp, giúp công nhân ở lại làm việc, an tâm sản xuất.

Một số doanh nghiệp khác dù ở ngoài khu, cụm công nghiệp cũng đã được địa phương quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ công tác phòng chống dịch, nhờ đó doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, giữ công ăn việc làm cho công nhân và thực hiện các đơn hàng như đã cam kết với đối tác. Như Công ty TNHH Hải sản Việt Hải, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, thực hiện “3 tại chỗ” với số lượng 216 công nhân đã được ngành y tế thực hiện lấy mẫu test ngay tại công ty cũng như được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 1 vào giữa tháng 8.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng mong muốn hỗ trợ thông tin về tình hình dịch bệnh ở các địa phương trong tỉnh. Bởi đối với các ngành sản xuất, sử dụng lực lượng lớn công nhân, rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động, chặt chẽ nhất là trong giai đoạn tới phải theo sát với tình hình khống chế dịch tại địa phương sau khi được tiêm vắc-xin để chủ động lên phương án sản xuất. Chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch trong điều kiện mới để quay lại sản xuất.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, không chỉ cần một doanh nghiệp chống dịch tốt mà là sự hợp sức, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực “xanh hóa” từ nhà máy đến cả khu, cụm công nghiệp, hợp tác ở mức cao nhất cùng chính quyền đưa ra các giải pháp hiệu quả để duy trì sản xuất một cách an toàn nhất có thể trong các giai đoạn tiếp theo, tiến tới cùng vượt qua đại dịch, sớm đưa sản xuất phục hồi.