Sản xuất đình trệ bởi COVID-19, dòng tiền của doanh nghiệp "tìm về" ngân hàng
Đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh. Lượng tiền vốn dĩ dùng cho hoạt động sản xuất nay được chuyển vào ngân hàng, tranh thủ kiếm lời và cũng là cách giúp doanh nghiệp tránh rủi ro trong bối cảnh hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng tiền gửi của tổ chức và doanh nghiệp thêm gần 233.200 tỷ đồng đạt mức tăng trưởng 4,8% cao nhất trong 5 năm gần đây. Riêng trong tháng 6, lượng tiền gửi của doanh nghiệp tăng thêm trên 74.200 tỷ đồng, cao hơn 25% so với tháng liền trước.
Doanh nghiệp “bật chế độ” phòng thủ
Thông thường, các năm trước khi tiền gửi của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng thường chỉ tăng mạnh trong một vài tháng cuối năm, đặc biệt là trong tháng 11 và tháng 12. Tuy nhiên, năm nay lượng tiền gửi của các tổ chức, doanh nghiệp tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm.
Đáng lưu ý, tiền gửi của các tổ chức, doanh nghiệp đều bật tăng trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm sâu. Đến giữa tháng 8, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng giảm xuống chỉ còn 3,15-4,25%/năm với kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng, 4,4-6,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5,0-7,3%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng này có thể tiếp diễn từ nay đến hết năm 2021 bởi diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn rất khó lường, do đó doanh nghiệp có xu hướng phòng thủ trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là rủi ro gián đoạn kinh doanh.
Lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, xu hướng tăng tiền gửi vào ngân hàng của các doanh nghiệp đã diễn ra trong hơn 1 năm trở lại đây kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát diện rộng. Nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn do gián đoạn sản xuất, đứt gãy nguồn cung, đầu ra hạn chế nên có xu hướng tích lũy gửi tiền vào ngân hàng để làm bước đệm vừa đề phòng rủi ro trong tương lai, vừa chờ dịch bệnh qua đi để phục hồi.
"Đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng từ tháng Tư vừa qua đến nay tại nhiều tỉnh thành phố, nhất là khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp lâm vào trạng thái "đóng băng." Vì thế dòng tiền lẽ ra chảy vào sản xuất, phục hồi kinh doanh lại phải tạm ngưng và chuyển hướng vào ngân hàng để bảo toàn nguồn vốn và sinh lời," vị lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Giám đốc tài chính nhiều doanh nghiệp thừa nhận, họ gửi tiền vào ngân hàng vì lo sợ tác động tiêu cực của đại dịch, cũng như không sẵn sàng cho những thay đổi lớn. Thậm chí, nếu họ kiếm được rất ít hoặc không kiếm được đồng tiền lãi nào thì vẫn gửi ngân hàng.
Nhiều lo ngại
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp thu lãi từ vài trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng nhờ các hoạt động tài chính, như tiền gửi ngân hàng, tiền cho vay, lãi chênh lệch tỷ giá...
Báo cáo tài chính quý II/2021 của Công ty CP Đường sông miền Nam (SWC) ghi nhận lãi ròng đạt gấp 3 lần quý II/2020, ở mức 63 tỷ đồng. Để có được kết quả này, bên cạnh sự tăng trưởng của doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh còn có sự đóng góp đáng kể của doanh thu tài chính.
Cụ thể, doanh thu thuần quý II/2021 của SWC đạt 226 tỷ đồng giúp mang về 62 tỷ đồng lãi gộp, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm vào đó, doanh thu tài chính cũng tăng còn có sự đóng góp đáng kể của hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận tới gần 54 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức gần 4 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho biết, việc các doanh nghiệp giữ một số dư nhất định trên tài khoản vãng lai là rất bình thường: “Nếu một doanh nghiệp giữ khoản tiền mặt trong chi tiêu thanh toán bằng mức 5% trên tổng tài sản là bình thường. Nhưng nếu găm giữ quá nhiều tiền mặt, trên 20% tổng tài sản thì lại bất thường và cần xem lại vì có thể dòng tiền đang bị tắc”.
Theo ông Hiếu, lượng tiền mặt doanh nghiệp nắm giữ hoặc gửi ngân hàng cũng mang tính thời điểm. Vào thời điểm thu tiền về, doanh nghiệp sẽ có một khoản tiền gửi ngân hàng lớn. Nếu doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng các dự án thì lượng tiền này sẽ giảm. Việc giữ tiền mặt nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp, doanh nghiệp sẽ chọn gửi ngân hàng”.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, việc tiền gửi của doanh nghiệp tại các ngân hàng tăng cao hơn tiền gửi dân cư lại đáng lo hơn cả. Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc kinh doanh, do thị trường co hẹp lại, giao thương bị hạn chế, doanh nghiệp không thể đầu tư mua nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa. Vì thế, tiền bán hàng thu về, tiền vốn phải tạm giữ trong ngân hàng, không thể chuyển thành dòng tiền kinh doanh. Điều này phần nào có thể ảnh hưởng đến năng lực, lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm nay.