Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC
Theo lộ trình mới, khoảng đầu tháng 6/2019, nhóm chuyên gia kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU) sẽ sang Việt Nam đánh giá lại việc tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Sau hơn 1 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương và cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt.
Chia sẻ tại cuộc họp báo quý I/2019 của ngành nông nghiệp, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, có 4 nhóm vấn đề mà phía EU đề nghị khắc phục: Về khung pháp lý, hiện nay, để triển khai Luật Thủy sản, có Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017 và các thông tư hướng dẫn.
Các văn bản này trong quá trình hoàn thiện, phía Việt Nam có trao đổi với phía EU, cơ bản đã được thống nhất các nội dung. Đối với hệ thống giám sát tàu cá, Tổng cục Thủy sản đang nỗ lực chuyển đổi hệ thống để đáp ứng đúng quy định. Việc truy xuất nguồn gốc đang triển khai rất tốt, ngành thủy sản đã và đang coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tổng cục Thủy sản, khắc phục “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Việc Nghị định quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vẫn chưa được ban hành, dẫn đến khó khăn cho việc triển khai các quy định mới của Luật Thủy sản. Một số địa phương chưa quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn. Công tác kiểm soát tàu cá rời bến, cập bến chưa thực hiện theo đúng quy định về khai báo, ghi chép đối với tàu cá, sản lượng qua cảng theo quy định…
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hải sản Việt Nam trong 5 năm qua, với giá trị xuất khẩu dao động trong khoảng 350 - 400 triệu USD/năm, chiếm 16 - 17% tổng xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Tuy nhiên, từ ngày 23/10/2017, EU chính thức đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam, xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục do khách hàng EU hạn chế hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng. Hiện tại, thị phần của EU giảm xuống 12 -15% tổng xuất khẩu hải sản của cả nước khiến nhiều DN xuất khẩu hải sản bị thiệt hại nặng.
Được biết, đầu tháng 6/2019, nhóm chuyên gia kỹ thuật của EU sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại việc tuân thủ các quy định về IUU của Việt Nam. Để gỡ “thẻ vàng”, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho 3 tháng tới rất lớn. Theo đó, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác IUU, tổ chức họp Ban chỉ đạo với 28 tỉnh ven biển. Triển khai các quy định liên quan tới theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá gồm các quy định về nhật ký khai thác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên… Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, có kết quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.
Với những nỗ lực từ Chính phủ, địa phương, DN và ngư dân, Việt Nam đặt mục tiêu sớm xóa bỏ “thẻ vàng” này.