Nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Khánh Hòa tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Qua đó, đơn vị đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các cơ sở vi phạm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, chi cục quản lý 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, chủ động phòng ngừa ngộ độc, sử dụng thực phẩm an toàn, thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh, chi cục đã tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.
Qua thanh tra, hầu hết các cơ sở đều chấp hành tương đối tốt quy định, sản xuất hàng hóa ngày càng nâng cao về chất lượng, cải tiến mẫu mã đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường. Đặc biệt, các kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho thấy, hầu hết sản phẩm của các cơ sở đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép.
Ông Bùi Lân - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế của chi cục cho biết, thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm được lãnh đạo chi cục quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao nhận thức cũng như xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Từ năm 2017 đến nay, chi cục đã thanh tra 795 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý. Qua đó phát hiện, xử lý vi phạm đối với 33 cơ sở, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 495,5 triệu đồng. Ngoài ra, chi cục đã yêu cầu các chủ cơ sở khắc phục những vấn đề còn tồn tại, vi phạm, tiến hành kiểm tra cho đến khi cơ sở khắc phục xong mới cho phép tiếp tục đưa sản phẩm ra thị trường.
Việc thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ sở đã có nhận thức và chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, sản xuất, kinh doanh những mặt hàng đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tuân thủ đúng quy định về an toàn thực phẩm. Một số cơ sở còn có hành vi đối phó với các cơ quan chức năng, chưa hợp tác với đoàn thanh tra, kiểm tra. Chẳng hạn như khi đoàn thanh tra công bố quyết định thanh tra, cơ sở lại gửi đơn xin ngừng sản xuất, kinh doanh, hoặc có trường hợp đoàn thanh tra đến cơ sở làm việc nhưng không thể liên lạc được với chủ cơ sở…
Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cập nhật, tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nên chưa thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính đúng theo quy định của pháp luật.
Một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, một số cơ sở sử dụng phụ gia hóa chất chưa xuất trình được hồ sơ và nguồn gốc của các loại hóa chất đó cho cơ quan thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, điều kiện sản xuất, kinh doanh của một số cơ sở gặp nhiều khó khăn do tình hình tiêu thụ sản phẩm, năng lực về vốn còn hạn chế. Do đó, quá trình cơ quan đến thanh tra, kiểm tra đã tạo điều kiện nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở bổ sung hồ sơ còn thiếu để hoàn thiện hơn.
Từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian cao điểm về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để phục vụ hàng hóa cho các dịp lễ, Tết. Do đó, chi cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Nội dung kiểm tra tập trung tại các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp lễ, Tết như: nem chua, chả lụa, thủy sản chế biến, yến sào…