Nở rộ dịch vụ “văn phòng chia sẻ”
Giới đầu tư văn phòng cho thuê ở TP. Hồ Chí Minh nhận định chưa bao giờ thị trường cho thuê không gian làm việc chung lại sôi động như hiện nay
Sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp (start-up) tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh vài năm gần đây đã tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp (DN) mới hoạt động khá sôi động, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ sáng tạo. Đồng thời, cũng thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt không gian làm việc chung (co-working space) hay còn gọi là "văn phòng chia sẻ" ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
120.000 đồng mỗi ngày
Thống kê của CBRE Việt Nam, từ năm 2017 đến hết quý I/2018, cho thấy số lượng đơn vị kinh doanh co-working space ở Việt Nam tăng đột biến, từ 17 lên 40 hãng, tổng diện tích khoảng 30.000 m2 sàn. Trong đó, Hà Nội có 19 không gian làm việc chung và TP. Hồ Chí Minh có 15 khu đến từ 23 đơn vị điều hành - trong đó có 2 đơn vị điều hành đến từ nước ngoài. Số lượng không gian làm việc chung tăng lên 62% và ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng trung bình 55% trong vòng 5 năm qua. Đơn vị này ước tính cuối năm 2018, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ chiếm lần lượt 56% và 44% của tổng nguồn cung 45 không gian làm việc chung.
Tại TP. Hồ Chí Minh có thể kể đến nhiều co-working space quen thuộc với các bạn trẻ khởi nghiệp như: Dreamplex, Toong, eSmart, CirCO... Ưu điểm lớn nhất hiện nay của văn phòng chia sẻ chính là chi phí thuê thấp hơn rất nhiều so với thuê văn phòng thông thường. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá thuê tại các văn phòng này trung bình từ 3,5-3,9 triệu đồng/người/tháng đối với chỗ ngồi cố định. Nếu phòng lớn yên tĩnh và riêng biệt cho 8 người thì tầm 20-25 triệu đồng/tháng, tùy diện tích. Ngoài ra, khách hàng có thể chọn thuê từng ngày với mức giá 120.000 đồng/chỗ ngồi. Với dịch vụ giải quyết nhu cầu về địa chỉ giao dịch (văn phòng ảo), mức giá khoảng 680.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, dịch vụ trong văn phòng chia sẻ khá đa dạng, từ việc hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, soạn thảo văn bản cho đến kế toán, phòng họp, lễ tân, hay bưu chính… Bên cạnh đó, tùy quy mô, tính chất của DN thuê, các văn phòng sẽ có thêm các dịch vụ đặc biệt để thu hút khách. Đây cũng chính là lý do vì sao DN mới khởi nghiệp thường lựa chọn văn phòng chia sẻ làm nơi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình.
Ví dụ, ngoài các dịch vụ cơ bản, Dreamplex còn hỗ trợ kết nối các dịch vụ về tư vấn tài chính, kế toán, nhân sự cho các công ty khởi nghiệp, thậm chí là kết nối với nhà đầu tư muốn góp vốn. Các nhà điều hành Dreamplex còn tổ chức những hoạt động thường niên cho thành viên như: tiệc sinh nhật, tổ chức sự kiện kết nối cộng đồng Dreamplex với các cộng đồng khác, mang lại những cơ hội phát triển mối quan hệ hay cơ hội hợp tác cho các thành viên; tổ chức những cuộc thảo luận, hội thảo về công nghệ Blockchain, Marketing, công nghệ thông tin…
Hay tại eSmart, khách thuê còn được hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. eSmart thường xuyên tổ chức các chương trình hoạt động, giao lưu nhằm kết nối các doanh nghiệp với nhau… Tất cả những điều này khiến không gian làm việc chung không đơn thuần là nơi giải quyết công việc mà còn là điểm gặp gỡ, chia sẻ, một môi trường tạo cảm hứng sáng tạo giúp người lao động phát triển tốt những khả năng của mình.
Anh Đinh Chí Trung, đại diện cho một công ty thủy sản nước ngoài tại Việt Nam, đang thuê chỗ ngồi tại eSmart, cho biết rất hài lòng với không gian làm việc chung tại đây. Văn phòng đại diện chỉ có 1 người nên thay vì phải đi thuê một trụ sở văn phòng đầu tư nhiều máy móc, thiết bị đi kèm tốn kém, cồng kềnh thì anh thuê một chỗ ngồi với mức chi phí chỉ 2-3 triệu đồng/tháng nhưng được sử dụng đầy đủ các tiện ích như hồ sơ, thư từ, fax… rất chuyên nghiệp.
Tiềm năng rất lớn
Một chuyên gia bất động sản, có kinh nghiệm về cho thuê văn phòng nhận định hiện nay, tỉ lệ mét vuông sàn của mô hình văn phòng chia sẻ mới chiếm dưới 1% toàn thị trường nhưng dư địa sắp tới có thể tăng lên 10%-15%. Ở Ấn Độ, tỉ lệ này rất cao.
"Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình này vì chúng ta đang đón nhận rất nhiều DN mới và sự gia nhập của các công ty đa quốc gia trên thế giới với bộ máy nhân sự tinh gọn và linh hoạt. Công nghệ cũng đang mở ra xu hướng làm việc mới, không yêu cầu cao về sự cố định hay các không gian làm việc rộng lớn vì ở bất cứ đâu, chúng ta đều có thể kết nối với nhau. Không gian làm việc chia sẻ sinh ra là để đáp ứng nhu cầu cho một thế hệ DN mới như vậy" - chuyên gia này phân tích.
Ông Hoàng Linh, Giám đốc điều hành chuỗi văn phòng chia sẻ CirCo, nhận định nền kinh tế chia sẻ đang lớn mạnh, 20-30 năm nữa thì 50% dân số thế giới sẽ có thói quen tiêu dùng như các bạn trẻ bây giờ, đó là thích sử dụng dịch vụ chia sẻ. Họ sẽ không dùng xe riêng, văn phòng truyền thống, thay đổi xu hướng đi du lịch và sẽ ở khách sạn dạng Airbnb... Mạng xã hội thay đổi cách mọi người giao tiếp trong công việc với nhau. Tất cả tạo ra yếu tố thay đổi về cộng đồng chia sẻ và tính chất khởi nghiệp nên dịch vụ co-working space ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Thực tế, CRBE cho biết bên cạnh các tên tuổi có tiếng trong lĩnh vực văn phòng chia sẻ hiện nay như Regus, Toong thì nhiều đơn vị mới như NakedHub, CoGo và WeWork. Ucommune, JustCo, the Hive… cũng đang lên kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Trung Tín - nhà sáng lập Dreamplex, 2 năm tham gia thị trường này, Dreamplex đang phát triển địa điểm thứ 3 và thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến năm 2019, Dreamplex sẽ tăng lên 8 địa điểm và mục tiêu xa hơn là phát triển thành 20 điểm hoạt động. Hiện tỉ lệ lấp đầy tại Dreamplex khoảng 80%-90% tùy từng cơ sở và từng mùa.
"Vì cơ hội phát triển thị trường còn rất nhiều nên sự cạnh tranh lại càng lớn. Các DN Việt Nam trong lĩnh vực co-working space đang ngày càng chuyên nghiệp. Các công ty quốc tế chuyên về lĩnh vực này đang đổ vào Việt Nam, chứng tỏ các DN trong nước đã làm rất tốt việc dẫn dắt và khai phá tiềm năng thị trường nên mới gây được sự chú ý từ những thương hiệu toàn cầu…" - ông Tín nhận xét.