Nợ tiêu dùng ở châu Á tăng mạnh

Theo CNBC

(Tài chính) Nợ của các hộ gia đình ở châu Á đang tăng với tốc độ chóng mặt, dấy lên những lo ngại rằng người tiêu dùng tại châu lục này sẽ đối mặt với khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn của mình trong bối cảnh lãi suất đang có dấu hiệu không ngừng tăng lên.

 Nợ tiêu dùng ở châu Á tăng mạnh
Nợ của các hộ gia đình ở Châu Á đang tăng với tốc độ chóng mặt. Nguồn: internet

Trong một vài năm trở lại đây, nợ tiêu dùng đã tăng mạnh ở các quốc gia trong châu lục với những khoản vay để mua sắm ô tô, xe máy và tất cả những thứ mà người tiêu dùng mong muốn sở hữu, Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế của HSBC cho biết.

Singapore và Thái Lan là 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng tín dụng thậm chí vượt qua Mỹ trong thời kỳ bùng nổ. Trong khi đó, Malaysia, Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao hơn của Anh trong giai đoạn 2001-2007 trước khủng hoảng, chuyên gia này cho biết. Ông cũng cho biết thêm rằng các nghiên cứu đều cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh là một vấn đề rất đáng quan tâm vì sẽ tạo ra những nguy cơ về tài chính.

Một trong những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng tín dụng quá nhanh đang đè nặng lên người tiêu dùng chính là sự phát triển bùng nổ của dịch vụ cầm đồ tại quốc đảo Singapore.

Số lượng cầm cổ ở các tiệm cầm đồ tại Singapore đã tăng lên 4 triệu lượt năm 2012 từ mức 2,7 triệu năm 2007, trong khi đó các khoản vay nợ cũng tăng tới 344% trong cùng thời kỳ đạt mức 7,1 tỷ đô Singapore vào năm 2012, theo một báo cáo gần đây.

Các nhà phân tích cho rằng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài bởi một vài nhân tố như sự sẵn có của nguồn tín dụng giá rẻ thúc đẩy chính sách tiền tệ nới lỏng ở những nền kinh tế phát triển kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những biện pháp của chính phủ thắt chặt việc cho vay và tín dụng không đảm bảo cũng đồng nghĩa với việc những người vay nợ sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ và buộc phải tìm đến các hiệu cầm đồ.

Các chuyên gia cũng bày tỏ sự lo lắng về việc người tiêu dùng châu Á có đang đối mặt với khó khăn trong việc trả các khoản nợ của họ khi mà lãi suất đang trên đà tăng lên.

Trong khi các khoản nợ ở châu Á nhìn chung được đánh giá  với mức độ an toàn cao hơn, thì Rob Subbaraman, kinh tế trưởng về khu vực châu Á của Nomura cho rằng sẽ khó có thể có một giải pháp tối ưu nào cho vấn đề này.

Người tiêu dùng đã bị quá hấp dẫn bởi mức lãi suất thậm chí thấp hơn ở Mỹ trong giai đoạn trước khi xuất hiện bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đang thực sự bắt đầu.

Vào thứ 5 tuần trước, ngân hàng trung ương Philipines đã quyết định tăng lãi suất thứ cấp sau khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt tại các ngân hàng lên 2 lần trong năm nay. Ngân hàng trung ương Indonesia cũng đã điều chỉnh lãi suất tăng 5 lần kể từ giữa năm 2013.

Subbaraman cho rằng ít nhất một nửa số ngân hàng trung ương trong châu lục này nên và sẽ tăng lãi suất trong vòng 12 tháng tới, thậm chí là trước cả những động thái của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ.

Mặc dù vậy, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy bùng nổ tín dụng tiêu dùng sẽ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng thực sự.

Tuy nhiên, Neumann vẫn rung một hồi chuông cảnh báo đối với tăng trưởng tín dụng ở châu Á. Nợ tiêu dùng ở châu Á tăng mạnh cho thấy một vấn đề khác mà châu lục này đối mặt đó chính là: nếu như không có nợ tiêu dùng, tiêu dùng thực sự ở châu lục này sẽ ở mức thấp như thế nào?