Nợ xấu hấp dẫn vốn ngoại: Chớ mừng vội!
(Tài chính) IFC, TPG Growth LLC, Standard Chartered đều bày tỏ ý muốn tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam.
Một tin khá vui đối với việc xử lý nợ xấu là mới đây, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC), công ty đầu tư tư nhân của Ngân hàng Thế giới, bày tỏ mong muốn tham gia trực tiếp vào quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam.
Cụ thể, IFC muốn được tài trợ vốn, mua nợ xấu và đóng vai trò là cầu nối giúp nhà đầu tư ngoại tham gia quá trình xử lý nợ xấu. Ngoài IFC, các tổ chức tài chính khác như TPG Growth LLC, Standard Chartered cũng muốn mua nợ xấu của Việt Nam. Theo ông John Sheehan, cựu Giám đốc ngân hàng Mỹ Lehman Brothers, hiện có nhiều nhà đầu tư ngoại muốn tham gia quá trình xử lý nợ xấu Việt Nam.
Việc xuất hiện của những tổ chức tài chính chuyên nghiệp này đang mang lại hy vọng mới về tiến trình xử lý nợ xấu của Việt Nam. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm của các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính 1997-1998, nguồn lực từ bên ngoài là rất quan trọng khi có tới 60% các khoản nợ xấu của 2 quốc gia này đã được nước ngoài mua.
Kinh doanh trong lĩnh vực nợ xấu cũng rất hấp dẫn. Điển hình là quỹ Lone Star Funds, được thành lập từ năm 1995, chỉ chuyên mua tài sản xấu khi các cuộc khủng hoảng diễn ra như ở Canada, Mỹ, Tây Âu. Tại châu Á, quỹ này bắt đầu tham gia kinh doanh tại Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan khi bóng bóng bất động sản Nhật bùng nổ vào đầu thập kỷ 90 hay khủng hoảng châu Á 1997-1998. Đến nay, quy mô vốn của Lone Star đã lên tới 38 tỉ USD.
Vậy tại sao các khoản nợ xấu tại Việt Nam lại hấp dẫn nhà đầu tư ngoại như thế?
Đó có thể là tính hấp dẫn của các sản phẩm bất động sản. Một tỉ lệ lớn nợ xấu của Việt Nam được thế chấp bằng bất động sản, thậm chí có thể lên đến 70% như công bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm 2012. Thị trường đi xuống đã khiến giá bất động sản giảm mạnh.
Đây là cơ hội để các nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh nhảy vào thâu tóm, nắm quyền sở hữu rồi chuyển giao cho bên thứ ba. Hoặc họ có thể tiếp vốn để hoàn thiện các dự án dở dang, chờ cơ hội bán ra khi thị trường hồi phục.
Trên thực tế, những dự án tiềm năng như thế không phải là ít. Đơn cử, trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM, một công trình xậy dựng văn phòng cho thuê vốn rất hoành tráng đã bị đóng băng từ giữa năm 2012 khi chỉ kịp hoàn thành bộ khung. Nếu dự án này trở thành tài sản liên quan đến nợ xấu của ngân hàng, nhà đầu tư ngoại có thể thâu tóm dự án với giá rẻ, sau đó tiếp tục bỏ vốn để hoàn thiện. Khi thị trường khởi sắc, họ có thể bán đi để kiếm lời.
Vậy giá mua lại nợ xấu sẽ được xác định như thế nào? Theo một báo cáo của Capital Services Group, đối với các khoản nợ xấu có bất động sản làm tài sản thế chấp, giá mua tốt nhất sẽ là 30 cent cho mỗi USD, một mức chiết khấu có thể xem là rất hấp dẫn đối với người mua. Nói cách khác, giá mua tốt nhất là bằng 30% giá trị nợ xấu.
Một điều kiện thuận lợi cho triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới là các nhà chính sách đang xem xét các biện pháp kích thích luồng đầu tư ngoại vào lĩnh vực này như cho phép cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho người nước ngoài. “Ngày càng có nhiều nhà đầu tư châu Á để ý đến Việt Nam. Họ hy vọng sẽ kiếm được lợi nhuận tốt nhờ nguồn cung dồi dào. Trong số này, đáng kể nhất là các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và Singapore. Giá bất động sản ở Việt Nam cũng hấp dẫn hơn các quốc gia trong khu vực như Thái Lan”, tờ The Standard của Hồng kông mới đây đánh giá.
Ngoài bất động sản, một loại tài sản khác cũng khá hấp dẫn đến từ các doanh nghiệp nhà nước, khu vực có nợ xấu có thể chiếm đến 53% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, theo công bố của Bộ Tài chính. Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có việc xử lý các khoản nợ quá hạn và các tài sản thế chấp liên quan. Chắc chắn trong số này có không ít tài sản có giá trị rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Việc để mắt của nhà đâu tư ngoại đối với các khoản nợ xấu của Việt Nam là một tin vui, nhưng có lẽ cũng không nên vội mừng. Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành Công ty Chứng khoán HSC, hiện nhà đầu tư nước ngoài chỉ mới quan tâm bước đầu. Tất cả còn phụ thuộc vào các đặc điểm và kỳ hạn của các khoản nợ. Chắc chắn, họ sẽ đánh giá các khả năng mua lại nợ xấu tại một số giai đoạn. “Còn quá sớm để kết luận các nhà đầu tư nước ngoài cuối cùng sẽ tiến hành mua thực”, ông nói.
Nhận định của ông Fiachra là có cơ sở. Trên thực tế, cơ chế mua bán nợ xấu bằng VAMC hiện vẫn chưa chú trọng nguyên tắc mua bán theo cơ chế thị trường. Các chính sách mở cửa thị trường bất động sản vẫn còn đang được bàn thảo và chưa có kết luận cuối cùng. Ngoài ra, việc các ngân hàng muốn giấu nợ xấu, không mặn mà lắm với việc bán nợ cho VAMC cũng khiến cơ hội cho nhà đầu tư ngoại nhỏ hơn và có thể khiến họ chùn bước. Ngoài ra, khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với thế giới, tính thiếu minh bạch và hành lang pháp lý chưa phù hợp sẽ là các yếu tố cản trở khả năng tham gia của nhà đầu tư ngoại.