Nội dung sửa đổi, bổ sung thuế suất thấp và có lộ trình
(Tài chính) Chiều 20/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).Dự kiến, dự án Luật này trình Quốc hội theo thể thức rút gọn, trình Quốc hội thông qua tại 1 kỳ họp. Chính phủ đề nghị hiệu lực thi hành của dự án Luật là từ ngày 01/7/2015.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, sau gần 5 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong đó, Thuế TTĐB đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách nhà nước một cách hợp lý.
Thuế TTĐB góp phần ổn định và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu ngân sách từ thuế TTĐB trong tổng thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí luôn ổn định trong những năm qua: tổng thu từ thuế TTĐB chiếm tỷ trọng khoảng 8% - 9% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 1,8% - 2,6% trên GDP hàng năm (chi tiết số thu thuế TTĐB từ năm 2010 đến năm 2013 trong Báo cáo tổng kết, đánh giá trình kèm).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật thuế TTĐB hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, như, về đối tượng chịu thuế: Luật thuế TTĐB hiện hành quy định 16 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Trong quá trình thực hiện, Chính phủ thấy rằng việc thu thuế TTĐB đối với nap-ta (bao gồm cả con-đen-sát), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng đã không còn phù hợp với thực tế do những mặt hàng này không chỉ dùng để sản xuất ra xăng mà còn sản xuất ra dung môi và một số sản phẩm khác không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Về đối tượng không chịu thuế: Luật thuế TTĐB hiện hành quy định 5 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Qua quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, làm rõ đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tàu bay không sử dụng cho mục đích tiêu dùng thuộc diện thu thuế TTĐB mà sử dụng cho an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ: Thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu và bia hiện nay còn thấp, chưa bảo đảm được mục tiêu hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có hại cho sức khỏe. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới thì cần thiết phải điều chỉnh thuế suất đối với những mặt hàng này.
Bên cạnh đó, để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường cần thiết phải quy định mức thuế suất thuế TTĐB ưu đãi đối với xăng sinh học (E5, E10). Để đảm bảo đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là không thu thuế đối với cá nhân trúng thưởng ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng (do không thể xác định được thu nhập của người chơi khi thắng) thì cần thiết phải tăng thuế suất thuế TTĐB đối với hoạt động kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng.
Về thuế suất đối với mặt hàng xăng sinh học, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Xăng sinh học E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học. Theo Luật thuế TTĐB hiện hành thì thuế TTĐB chỉ thu đối với xăng (RON 92) dùng để pha chế, theo đó, mức thuế suất TTĐB quy đổi của xăng E5 là 9,5% và xăng E10 là 9%.
Để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học, sử dụng nhiên liệu cồn từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường, Chính phủ đề nghị quy định mức thuế suất thuế TTĐB ưu đãi đối với xăng sinh học là 9% đối với xăng E5 và 8,5% đối với xăng E10.
Đối với mặt hàng thuốc lá Chính phủ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá như sau: từ ngày 01/01/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%.
Đề nghị tăng thuế đối với mặt hàng này là có lý do. Chính phủ cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch,… Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, một trong những nguyên nhân là do giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá. Mục tiêu của Chính phủ nêu tại Chiến lược Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 là phải giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới 8,4% (từ mức 47,4% hiện nay xuống mức 39%).
Về thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, để hạn chế sử dụng rượu, bia, Chính phủ đề nghị tăng thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng này như sau: Đối với rượu: Rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (tăng 15%); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%). Đối với bia: từ ngày 01/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%.
Sở dĩ, có quyết định này là do việc lạm dụng rượu, bia đã gây tác hại đến sức khỏe người dân, ngoài ra còn là một trong những căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội khác như: mất trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 có quy định: Áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với rượu, bia và đồ uống có cồn khác nhằm giảm sử dụng, lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác cũng như hạn chế buôn lậu và sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác không đạt tiêu chuẩn...
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nhìn chung, do những nội dung sửa đổi, bổ sung thuế suất thấp và có lộ trình nên doanh nghiệp vẫn có lãi. Vì vậy, các phương án thuế suất đưa ra đều không ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động trong các ngành sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB cũng như trong ngành, lĩnh vực liên quan (như người dân trồng cây thuốc lá).
Đối với thu NSNN, xét về tổng thể số thu có xu hướng tăng theo lộ trình tăng thuế suất và theo tốc độ tăng thu do tăng trưởng kinh tế, do thay đổi về thu nhập và mức sống của người dân, sự gia tăng dân số, thay đổi trong cơ cấu dân số,… Theo ước tính, năm 2015 tăng thêm khoảng 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng thêm khoảng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng thêm khoảng 4.395 tỷ đồng, năm 2018 tăng thêm khoảng 6.436 tỷ đồng, năm 2019 tăng thêm khoảng 9.312 tỷ đồng.