Nỗi lo doanh nghiệp ngành Thủy sản chưa dừng lại
Đó là cách nói của các doanh nghiệp ngành tôm trong tỉnh Sóc Trăng về tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngay sau khi dịch COVID-19 quay trở lại khu vực đồng bằng sông Cửu Long với số ca mắc COVID-19 có xu thế tăng dần, hầu hết các địa phương trong khu vực cũng bắt đầu nâng cấp dịch bệnh để giảm thiểu tình trạng lây lan. Niềm vui phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành tôm chỉ được kéo dài chưa đầy một tháng đã phải nhường chỗ cho nỗi lo chống dịch khi các ca dương tính với COVID-19 lần lượt được phát hiện ngay trong nội bộ các doanh nghiệp.
Nỗi lo tuy không mới nhưng theo các doanh nghiệp mức độ căng thẳng và rủi ro là lớn hơn nhiều so với lần trước. Từ việc chỉ chuyên sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp phải kiêm thêm công việc tầm soát dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Tuy đã đẩy mạnh công tác tầm soát lên cao hơn, tần suất dày đặc hơn, công tác khử trùng nhà xưởng được chú trọng nhiều hơn nhưng vẫn có ca dương tính được phát hiện, thậm chí chỉ sau một ngày tầm soát. Nỗi lo chi phí tăng thêm từ việc tầm soát dịch COVID-19 giờ đây không còn quá quan trọng mà trên hết là làm sao giảm rủi ro dịch COVID-19 xuống đến mức thấp nhất mới là điều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Liên tiếp mấy ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong tỉnh luôn gần 800 ca mỗi ngày. Ngay cả TP. Sóc Trăng, trong đợt dịch trước số ca mắc rất ít thì trong lần này cũng có ngày vươn lên đứng đầu cả tỉnh. Việc hạn chế đi lại bắt đầu được thắt chặt hơn khiến số lượng lao động tại các doanh nghiệp vì thế cũng vơi dần theo số ca mắc COVID-19 trong tỉnh. Rất may là vụ tôm đang vào giai đoạn cuối, sản lượng tôm thu hoạch hàng ngày không nhiều, nên số lao động còn lại vẫn đảm bảo giải quyết hết lượng tôm thu mua hàng ngày. Giá tôm cuối vụ cứ ngày một tăng lên, chi phí tầm soát dịch COVID-19 cũng tăng dần theo tần suất kiểm tra hàng ngày… nên nỗi lo của doanh nghiệp cũng chưa biết đến khi nào mới dừng lại.
Nỗi lo của các doanh nghiệp vẫn chưa dừng lại khi những ngày qua, Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực đều có số ca nhiễm ngoài cộng đồng tăng cao, kể cả người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Phương án cách ly F0 không triệu chứng và F1 tại nhà bắt đầu được một số tỉnh triển khai nhằm giảm quá tải cho khu cách ly và cơ sở điều trị. Giám đốc một doanh nghiệp tỏ ra lo lắng, cho rằng số lao động làm việc tại doanh nghiệp thời gian qua luôn tỷ lệ nghịch với số ca mắc COVID-19 trong tỉnh và khu vực. Nếu không kềm chế được đà giảm sút lao động như vừa qua, doanh nghiệp sẽ rất khó phục hồi sản xuất, kinh doanh kéo theo nền kinh tế khó hồi phục tốt theo kịch bản của Chính phủ.
Sự trở lại của dịch COVID-19 lần này được đánh giá là phức tạp và nghiêm trọng hơn so với lần trước và đến nay vẫn chưa có một dự báo chính thức nào về khả năng dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát, dù tỷ lệ người dân trong tỉnh được tiêm vắc xin đủ 2 mũi và 1 mũi đã đạt khá cao. Lo vẫn lo nhưng sản xuất vẫn không thể dừng bởi chỉ nếu không kịp phục hồi trong năm nay, doanh nghiệp sẽ rất khó có khả năng tăng tốc trong năm tới. Hơn nữa, đó còn là uy tín với khách hàng, là thu nhập của hàng ngàn lao động đã gắn bó với doanh nghiệp trong nhiều năm qua.
Dịch COVID-19 chưa biết đến khi nào mới được kiểm soát tốt để cuộc sống trở lại bình thường mới, hay nói một cách khác, nỗi lo của doanh nghiệp vẫn còn tiếp tục kéo dài và chưa biết khi nào mới hết lo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo thông tin từ các doanh nghiệp ngành tôm trong tỉnh, phần lớn đều có kết quả sản xuất, kinh doanh khá khả quan. Một số doanh nghiệp còn thông báo tin vui sẽ hoàn thành kế hoạch doanh số xuất khẩu năm 2021 trước kế hoạch 3 - 4 tuần và lợi nhuận không hề thua kém năm 2020.