Tỉnh Quảng Nam:

Hiện đại hóa để nuôi thủy sản bền vững

Theo Việt Nguyễn/ Báo Quảng Nam

Cụ thể hóa Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai các giải pháp phát triển bền vững.

Nuôi cá lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 của hộ ông Nguyễn Ngọc Cảnh. Ảnh: Việt Nguyễn
Nuôi cá lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 của hộ ông Nguyễn Ngọc Cảnh. Ảnh: Việt Nguyễn

Đa dạng mô hình

Nuôi cá lồng bè trên sông phát triển mạnh thời gian qua. Ở đoạn sông Cổ Cò qua phường Cẩm An, Cửa Đại (TP. Hội An), nghề nuôi cá lồng bè tập trung vào các đối tượng chủ lực như cá điêu hồng, cá dìa, cá chẽm, cá măng, cá nâu.

Ông Nguyễn Trọng Đạt (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) cho biết, năm nay ông thu hoạch 12 tấn cá nâu, bán được 550 triệu đồng, lãi ròng hơn 300 triệu đồng. Chỉ với 1 bè cá có 3 lồng nuôi mà thu nhập như vậy là rất khả quan.

“Khơi thông sông Cổ Cò, nghề nuôi cá lồng bè trên sông sẽ dừng lại nên mong chính quyền tạo điều kiện để nông hộ nuôi cá lồng bè ở ven biển Cửa Đại” - ông Đạt nói.

Nghề nuôi thủy sản ở Quảng Nam duy trì diện tích hơn 8.000 ha/năm, cung ứng ra thị trường hơn 20.000 tấn/năm. Hiện tại, các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ tại Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung (thôn Bình Nam, Thăng Bình) sản xuất 5 tỷ con giống, đảm bảo nguồn cung chất lượng cho người nuôi. Sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại Trung tâm Chọn giống cá rô phi (Phú Ninh) và Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Phú Ninh đảm bảo cung ứng đủ con giống cho nghề nuôi thủy sản nước ngọt.

Ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My), nuôi cá lồng bè cũng đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Các nông hộ Lâm Thị Nguyệt, Nguyễn Ngọc Cảnh có được nguồn thu hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch cá điêu hồng, cá chẽm, cá lăng nha.

Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, diện tích mặt hồ thủy điện Sông Tranh 2 rộng lớn là điều kiện hết sức thuận lợi để địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng bè, tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trong khi đó, hoạt động nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông và trên cát đã khơi thông thế mạnh, tiềm năng của tỉnh Quảng Nam, giúp nhiều nông hộ làm giàu. Tuy vậy, điểm yếu tồn tại trong nhiều năm qua là hạ tầng còn sơ sài, nguồn nước chưa được xử lý để ổn định môi trường nuôi tôm, nước xả thải chưa qua kiểm soát gây ô nhiễm môi trường...

Quảng Nam có chiều dài 125km bờ biển nhưng chưa phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nghề nuôi thủy sản còn phát triển ở bề rộng, chưa đi vào chiều sâu.

Giá trị nghề nuôi thủy sản đem lại gần 1.500 tỷ đồng mỗi năm là đáng quý nhưng vẫn thấp, có thể tăng mạnh nếu nông hộ đầu tư đồng bộ, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp đầu tư nuôi thủy sản nhưng còn khiêm tốn. Quảng Nam cần thu hút đầu tư lớn hơn để phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản.

Hướng đến hiện đại hóa

Quảng Nam đang triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, định hướng của tỉnh là chuyên nghiệp hóa để sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị các loài thủy sản nuôi chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quảng Nam chú trọng đầu tư hạ tầng đồng bộ, triển khai các vùng nuôi thủy sản tập trung, hình thành các vùng nuôi tôm thâm canh công nghiệp, công nghệ cao.

Ở các vùng triều nuôi tôm, tập trung nâng cấp cao trình, chỉnh trang hạ tầng để xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghiệp, ứng dụng công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với các vùng thấp triều và các vùng triều không thể nuôi tôm, chuyển đổi sang nuôi các loài thủy sản nước mặn, nước lợ có giá trị kinh tế cao như cá chẽm, cà dìa, cá măng theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, truy xuất nguồn gốc đảm bảo các yêu cầu khắt khe của thị trường nội địa và xuất khẩu. Về nuôi cá trong lồng bè ở hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi, vùng cửa sông, sẽ nhân rộng nuôi các loài thủy sản giá trị cao, đón đầu thị trường.

Ông Ngô Tấn cho biết, nuôi thủy sản sẽ chuyển từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, hiện đại, bền vững. Giải quyết các vấn đề về vốn đầu tư, ngành nông nghiệp đang tham mưu UBND tỉnh tạo thuận lợi để các chủ thể nuôi thủy sản liên kết với doanh nghiệp tạo thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra.

Ngành thủy sản sẽ nâng cao chương trình quan trắc môi trường, kiểm soát dịch bệnh định kỳ, đột xuất. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm cải tạo môi trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cung ứng cho người nuôi thủy sản.