Nóng bỏng cuộc đua mở ví điện tử
Cuộc đua chiếm lĩnh thị phần của các ví điện tử ở Việt Nam trở nên khốc liệt hơn khi ngày càng có nhiều “tân binh” tham gia thị trường.
Tính đến cuối tháng 9/2019 có 32 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán gồm: cổng thanh toán điện tử; hỗ trợ thu hộ, chi hộ; ví điện tử.
Đáng chú ý, trong các dịch vụ trung gian thanh toán này, ví điện tử chiếm phần lớn với 28 ví đang hoạt động.
Thêm áp lực khi “ông lớn” nhập cuộc
Các chuyên gia đánh giá thị trường ví điện tử Việt Nam trước đây hoạt động khá mờ nhạt. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, loại hình thanh toán này được nhiều người dân ưa chuộng nhờ những kết nối dễ dàng với các dịch vụ. Theo dự báo của NHNN, đến năm 2020 sẽ đạt 10 triệu người dùng ví điện tử.
Không bỏ qua cơ hội phát triển, gần đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục hợp tác, rót vốn vào thị trường Fintech (công nghệ tài chính) Việt Nam. Theo thống kê, đến cuối năm 2018, thị trường có khoảng 20 ví điện tử được cấp phép hoạt động, nhưng chỉ từ đầu năm 2019 đến nay đã có thêm 8 ví mới ra đời, trong đó có nhiều “ông lớn” gia nhập cuộc đua.
Mới đây nhất, NHNN công bố thông tin về việc đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với dịch vụ được cấp phép là ví điện tử cho VinID của CTCP VinID.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự “lấn sân” của một số doanh nghiệp gần đây có thể làm thay đổi cục diện thị trường đang được xem là dành riêng cho 5 “ông lớn”: Viettelpay, MoMo, Zalopay, Airpay, GrabPay by Moca.
Hiện tại, Momo được nhắc nhiều về hoạt động khuyến mãi hấp dẫn, mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, hóa đơn dịch vụ (điện, nước, điện thoại trả sau…). Viettelpay nổi bật với hoạt động chuyển khoản, mua thẻ cào trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Moca được người dùng ưa chuộng trong phân khúc gọi xe công nghệ, mua hàng. Zalopay và Airpay được người dùng quan tâm với hoạt động mua thẻ cào game online, đồng thời Airpay còn nổi bật lên với hoạt động mua đồ ăn trực tuyến.
Sự tham gia của VinID được kỳ vọng sẽ khiến cho thị trường này càng trở nên sôi động khi đang sở hữu nhiều lợi thế về hệ sinh thái sẵn có. “Ví VinID chỉ cần phục vụ nhóm khách hàng của Vingroup ở hầu hết các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, tiêu dùng… cũng đủ đánh bại những ví còn lại”, một chuyên gia nhận định.
Lo vốn ngoại chi phối
Lãnh đạo một đơn vị trung gian thanh toán cho biết khả năng chiếm lĩnh thị phần của các ví điện tử gần như không phụ thuộc vào việc ra đời sớm hay muộn, mà dựa vào độ “chịu chi”. Vị này cũng thừa nhận chưa bao giờ cuộc chiến giữa các ví điện tử ở Việt Nam lại khốc liệt như hiện nay khi ngày càng xuất hiện nhiều “tân binh” tham gia thị trường.
Trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần ở giai đoạn này, hầu hết các ví chưa đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu, mà chủ yếu là chiếm lĩnh thị phần, nên đưa ra chiến lược khuyến mãi hậu hĩnh cho khách hàng, chiết khấu cao, phụ phí thấp. Đặc biệt, các thương hiệu ví điện tử sẵn sàng chịu chi để tăng độ trải nghiệm của khách hàng.
Để làm được điều đó, các ví điện tử phải có đủ tiềm lực tài chính, song không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn vốn khủng để đầu tư như VinID.
Hầu hết 5 “ông lớn” chiếm lĩnh đến 90% thị phần hiện nay (cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch) có tỷ lệ sở hữu khá cao của nước ngoài, từ 30% đến hơn 90%.
Lo ngại vốn ngoại chi phối các doanh nghiệp trung gian thanh toán, cơ quan quản lý đang tính đến việc khống chế trần.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, room ngoại tham gia vào các doanh nghiệp Fintech sẽ bị giới hạn, dự kiến ban đầu là 30% hoặc 49%.
Theo các doanh nghiệp Fintech, nếu dự thảo được thông qua, những Fintech phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp không ít khó khăn để huy động vốn, duy trì thế cạnh tranh trên thị trường ví điện tử đầy khốc liệt.
Tuy nhiên, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), giải thích: cơ quan quản lý đặt ra quan ngại lớn rằng lĩnh vực thanh toán, thị trường tiền tệ có thể bị thao túng từ các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia.
Ông Sơn nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech là đảm bảo lợi ích của người dùng, nhưng NHNN cũng sẽ tạo hành lang pháp lý sao cho vẫn thúc đẩy doanh nghiệp được đổi mới sáng tạo. Trong đó, sandbox (cơ chế thí điểm) là một trong những giải pháp hàng đầu.