Nông nghiệp cần được xác định như động lực để phát triển kinh tế
Những năm gần đây, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta đạt sản lượng lớn nhất nhì thế giới, nhưng nhìn lại, nền nông nghiệp vẫn manh mún và chưa có thương hiệu tương xứng. Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Đặng Kim Sơn cho rằng, cần thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Nông nghiệp cần được xác định như một động lực, một trụ cột để phát triển kinh tế.
PV: Thưa ông, tại sao vấn đề tái cấu trúc nông nghiệp được đặt ra trong thời điểm hiện nay?
Trong suốt thời gian qua, nông nghiệp phát triển rất thành công, tạo bước đột phá cho đổi mới, trở thành nền tảng vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp ở nước ta trong thời gian vừa qua vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có, đầu tư thêm đầu vào, thêm vốn, lao động để có được sản phẩm tương đối rẻ và cạnh tranh bằng giá. Quá trình phát triển này đã sử dụng hết tiềm năng của mình. Do đó, đã đến lúc chuyển sang hướng phát triển khác có hiệu quả cao hơn và vững bền hơn. Đây là lý do vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thay đổi căn bản nhất là ở sự thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Nông nghiệp không còn được nghĩ như một cái kho để vận chuyển tài nguyên sang cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hay là nền tảng cho việc giữ ổn định kinh tế - xã hội. Nông nghiệp cần được xác định như một động lực, là một trụ cột để phát triển kinh tế của nước ta. Phải tính đến một hướng phát triển kinh tế trong tương lai của một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng vẫn lấy nông nghiệp là một lợi thế như Việt Nam. Đó là một nền nông nghiệp xanh, một nền nông nghiệp dựa trên thế mạnh về sinh học, dựa trên thế mạnh về cộng đồng xã hội rộng rãi ở nông thôn và chuyển ra từ nông thôn ở nước ta hiện nay.
Đề án đã đề cập đến việc tái cơ cấu quản lý Nhà nước - vậy sẽ có khác biệt như thế nào so với mô hình quản lý hiện nay, thưa ông?
Theo Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng ta sẽ chuyển từ một nền quản lý, quản trị mà trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo sang thành một nền quản trị, trong đó Nhà nước tập trung làm đúng vai trò của mình trên thị trường. Cụ thể, Nhà nước sẽ thực hiện quản lý vĩ mô thông qua việc đưa ra quy hoạch chiến lược, chính sách tiêu chuẩn. Nhà nước sẽ tạo môi trường pháp lý, cơ sở hỗ trợ về dịch vụ công thuận lợi để cho mọi thành phần kinh tế có thể làm tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là việc Nhà nước nên hỗ trợ chứ không nên trực tiếp làm. Đây cũng là việc mọi thành phần kinh tế làm tốt nhất, chẳng những huy động được nội lực, tài nguyên của họ mà còn huy động được trí tuệ, sự nhiệt tình.
Thưa ông, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên mục tiêu xuất khẩu lớn, giá trị nông sản cao hay bảo đảm mục tiêu lợi ích cao nhất cho người nông dân?
Trong thời điểm hiện nay thì dường như có mâu thuẫn giữa hai mục tiêu này. Việc xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp, huy động nhiều tài nguyên thì lại tạo ra môi trường thiếu bền vững cho người nông dân, không đem lại nhiều lợi ích, thậm chí là những lợi ích đáng có cũng chưa được thụ hưởng. Tuy nhiên, hai lợi ích này sẽ đi liền với nhau nếu đi theo định hướng trong Đề án. Một mặt nông dân tăng thu nhập vững bền và ổn định bởi được tham gia vào chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị ngày càng cao thì họ được thụ hưởng nhiều lợi ích và giảm các rủi ro sẽ gặp phải trong quá trình sản xuất. Đồng thời, do gắn quyền lợi của người nông dân vào chuỗi giá trị, cho nên người nông dân sẵn sàng huy động toàn bộ sức người sức của, trí tuệ để góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản Việt Nam.
Một trong những mô hình ra đời trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp là cánh đồng mẫu lớn. Xin ông cho biết tiến trình triển khai hình thành loại hình cánh đồng này?
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, một trong những giải pháp quan trọng đặt ra là lựa chọn một số ngành hàng mang tính chất chiến lược có lợi thế so sánh (như lúa gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản) để xây dựng các chuỗi ngành hàng, trong đó lấy các mô hình cánh đồng mẫu lớn làm trọng điểm. Về yếu tố không gian, cần xây dựng các vùng chuyên canh xung quanh để bảo đảm cho các hạt nhân là các trung tâm chế biến, kho tàng thương mại.
Yếu tố thứ hai là nông dân phải liên kết với nhau thành các hợp tác xã, các hiệp hội và toàn bộ các chuỗi ngành hàng dọc thì phải gắn kết giữa người sản xuất với người chế biến và người kinh doanh.
Cả hai yếu tố này đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ, về không gian, phải có quy hoạch, có đầu tư hạ tầng kỹ thuật; có vốn để doanh nghiệp xây dựng các công trình chế biến, các kho tàng; xây dựng các hệ thống giao thông để đưa hàng hóa ra thị trường.
Bên cạnh đó, cần có cả chính sách đầu tư công, chính sách phối hợp liên kết công - tư, chính sách đưa người nông dân tham gia vào quá trình xây dựng và quản lý. Về nhóm xây dựng thể chế, để có thể hình thành các hợp tác xã, hiệp hội của nông dân, hình thành các chuỗi ngành hàng, trong đó gắn kết người sản xuất - người chế biến - người kinh doanh. Như vậy chúng ta xây dựng một hệ thống chính sách cho mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả cao hơn.
Xin cám ơn ông!