Nông nghiệp hữu cơ - "Cửa thoát hiểm" cho nông sản

Theo baocantho.com.vn

Phái đoàn Việt Nam nhận lời mời của Bộ Nông nghiệp - Thực phẩm (NNTP) Pháp do ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dẫn đầu, cùng các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm thấy những cơ hội thực tế hơn sau khi tham quan, kết nối B2B, trao đổi hợp tác quốc tế về thúc đẩy thương mại vào EU từ ngày 23/2 đến 4/3/2018. Trong đó, sản phẩm hữu cơ có nhiều cơ hội vào EU qua cánh cửa chợ đầu mối quốc tế Rungis.

Sản phẩm hữu cơ có nhiều cơ hội vào EU qua cánh cửa chợ đầu mối quốc tế Rungis. Nguồn: internet
Sản phẩm hữu cơ có nhiều cơ hội vào EU qua cánh cửa chợ đầu mối quốc tế Rungis. Nguồn: internet

Cơ hội và xu hướng nông nghiệp hữu cơ

"Tròn 5 năm hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đoàn Việt Nam gồm các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT  và các doanh nghiệp Việt Nam tới Pháp tiếp tục đưa ra những nội dung cụ thể tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước", ông Nam cho biết.

Ông  Fédéric LAMBERT, Giám đốc đối ngoại, Bộ NNTP Pháp  cho rằng Việt Nam và Pháp có nét tương đồng: Nền nông nghiệp tương đối lớn, cả hai cùng muốn hướng tới nông nghiệp hữu cơ, phát triển cuộc sống nông thôn, đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Nước Pháp có chương trình giải pháp cụ thể về nông nghiệp sinh thái, có đủ sáng kiến và sẵn sàng chia sẻ giúp Việt Nam ứng dụng.

Tham tán nông nghiệp Pháp tại Việt Nam, ông Alexandre Bouchot, xem sản xuất hữu cơ là phương thức để thay đổi nhận thức, đổi mới phương thức sản xuất, cách tiếp cận mới hơn để có cách bảo vệ môi trường, gần hơn với sinh thái; kinh nghiệm của Pháp là làm sao vừa bảo đảm yếu tố kinh tế vừà bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, vừa thích nghi nhu cầu hội nhập vừa bảo đảm những vấn đề nền tảng sản xuất, làm sao khi tiếp cận được tiêu chuẩn và khả năng truy xuất nguồn gốc của các ngành đủ để bảo đảm lòng tin của người tiêu dùng. "Nông nghiệp hữu cơ thúc đẩy chuyển biến nhận thức liên quan tới sức khỏe của đất, tạo ra lòng tin của người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ, cơ hội cho chế biến nông sản…"- bà Florence MEA, giám đốc điều hành Bio Agence (BA), cơ quan quản lý sản xuất hữu cơ của Pháp cho biết.

Chính công nghệ bứt phá, quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng, thực thi cam kết sản xuất hữu cơ một cách chuẩn mực đã cải thiện tình hình. Tiêu chuẩn và tính tự giác, hàng rào kiểm soát chặt chẽ, các tổ chức công đoàn nông nghiệp bảo đảm cho quá trình chuyển đổi sản xuất - tiêu thụ, nên dù chỉ chiếm khoảng 4% lực lượng lao động nhưng ngành nông nghiệp Pháp đóng góp 3% tổng GDP, đưa Pháp lên đứng đầu EU về sản lượng củ cải đường  (29 triệu tấn/năm), đứng đầu thế giới về sản lượng rượu vang (5,3 triệu tấn mỗi năm), đứng thứ hai EU về sản lượng sữa (23,3 triệu tấn) và mỗi năm cung cấp tới hơn 1,8 triệu tấn thịt cho thị trường EU, gồm 22 quốc gia thành viên và xuất khẩu sang các nước phát triển.

Tiêu chuẩn và hành động liên ngành

Bio Agence là một tổ chức kết hợp nguồn lực từ nhiều tổ chức khác nhằm mục tiêu tạo ra nền tảng thông tin để cung cấp và liên kết các hành động thúc đẩy sản xuất hữu cơ, kết hợp sức mạnh của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp… vai trò điều hòa quan hệ giữa các thành phần tham gia vào sản xuất hữu cơ, quy tụ và cung cấp dữ liệu liên quan sản xuất và tiêu dùng, cung cấp  thông tin và giải pháp quảng bá cho những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,  hỗ trợ cấu trúc các ngành theo đuổi sản xuất hữu cơ và hiện nay đã lập quỹ 4 triệu EU hỗ trợ ngành thịt và sữa.

Các hoạt động nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu, đưa  các tiêu chí sản xuất hữu cơ vào các thỏa thuận liên ngành, chuyển giao, đào tạo cho các đối tượng tham gia quá trình sản xuất hữu cơ, theo bà MEA, quan trọng nhất là liên kết các Bộ liên ngành, các tổ chức công đoàn, các hiệp hội, các phòng nông nghiệp ở các vùng, các tổ chức của người tiêu dùng và tổ chức nghiên cứu… cùng thúc đẩy sản xuất hữu cơ.

Kết quả khảo sát trong năm qua cho thấy: 9/10 người Pháp từng sử dụng sản phẩm hữu cơ trong 12 tháng qua , ¾  người Pháp sử dụng ít nhất một lần/tháng. Dân số sử dụng sản phẩm hữu cơ hằng ngày là 16% (năm 2015 con số này là 10%). Niềm tin của người pháp về nông nghiệp tương lai đang tăng lên: 82% dân số đặt niềm tin vào sản phẩm hữu cơ, 85% đánh giá cao tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ và 90% bà mẹ quan tâm việc đưa sản phẩm hữu cơ vào căn - tin trường học.

Năm 2017, Pháp có 1,77 triệu héc-ta được sử dụng để sản xuất nông sản hữu cơ, tăng 15% (tương đương 65% diện tích nông nghiệp khả dụng vào nông nghiệp hữu cơ). Theo bà MEA, hiện nay, có 36.664 nhà sản xuất hữu cơ, tăng 13,6% so 2016, có 17.276 doanh nghiệp tham vào quá trình chế biến và phân phối, tăng 16%,  trong đó có hơn 12.000 đơn vị chế biến, hơn 5.000 nhà phân phối sản phẩm hữu cơ.

Ecophyto là một chương trình giảm sử dụng thuốc BVTV được thực hiện từ năm 2009. Với tên gọi Ecophyto 2018, chương trình đang bước vào giai đoạn 2. Các  Quy định cân nhắc những tác động, cũng giống như những suy nghĩ ở Việt Nam: Sản phẩm hữu cơ không đủ cho tiêu dùng, cấm dùng thuốc thì lấy đâu có sản lượng? Vì vậy, bên cạnh việc cấm sử dụng là hoạt động nghiên cứu, khi đã có sản phẩm thay thế thì cấm triệt để.

Bện cạnh đó là sự gia tăng quyền lực cho các tổ chức phi lợi nhuận , NGO, đánh giá, kiểm định chất lượng (bên thứ ba) và chiến lược quảng bá, chuyển đổi nhận thức, tạo lòng tin vào nền nông nghiệp và sản phẩm hữu cơ. Quá trình chuyển đổi, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn được nâng lên thành luật sau khi các bên có liên quan biểu quyết.

"Chính phủ ưu tiên cho các kế hoạch tổ chức sản xuất, cơ cấu các ngành hàng mang lại giá trị và lợi ích tốt nhất, tăng tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường", bà Florence MEA nói: "Nước Pháp không chỉ cung cấp hàng hóa mà còn đóng góp vào quá trình chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và chứng nhận của EU về nông nghiệp hữu cơ".