Nộp thuế điện tử qua các kênh giao dịch điện tử

PV.

Nộp thuế điện tử là phương thức nộp thuế hiện đại ứng dụng công nghệ điện tử, không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm bớt được các thủ tục giấy tờ, tiết kiệm chi phí mà các cơ quan nhà nước cũng dễ dàng kiểm soát được tình hình đóng thuế của doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa các sai sót.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc nộp và quản lý thuế của tất cả doanh nghiệp đang được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kế toán còn khá còn lúng túng với dịch vụ nộp thuế điện tử này. Ngày 18/3/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế gồm 5 chương, 49 điều và có hiệu lực kể từ ngày 03/5/2021.

Theo đó, tại Điều 21 của Thông tư hướng dẫn việc nộp thuế điện tử thông qua các kênh giao dịch điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như sau:

Thứ nhất, người nộp thuế truy cập vào Cổng trao đổi thông tin của Ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; hoặc Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn nộp thuế thông qua kênh giao dịch điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đồng thời, thực hiện lập chứng từ nộp NSNN theo mẫu của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nơi người nộp thuế nộp NSNN, trong đó đảm bảo đủ thông tin trên Giấy nộp tiền vào NSNN (theo mẫu số C1-02/NS ban hành kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP).

Trường hợp ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử bằng các phương thức thanh toán điện tử khác theo quy định của ngân hàng nhà nước Việt Nam và theo quy định về phối hợp thu NSNN với cơ quan thuế thì ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm lập chứng từ nộp NSNN thay người nộp thuế trên cơ sở thông tin do cơ quan thuế cung cấp theo quy định tại Điều 38 Thông tư này.

Thứ hai, tiếp nhận và xử lý chứng từ nộp NSNN điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được thực hiện theo quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và thực hiện một số nội dung sau:

Đối với kênh giao dịch điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã tham gia kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Đối với chứng từ nộp NSNN đủ điều kiện trích nợ tài khoản theo đề nghị của người nộp thuế, hệ thống ứng dụng của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tự động tạo “số tham chiếu” của chứng từ nộp NSNN theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 20 Thông tư này và thực hiện:

Chuyển tiền và thông tin theo chứng từ nộp NSNN (bao gồm: Tài khoản trích nợ; số tiền nộp NSNN; KBNN nơi hưởng nguồn thu; Số tham chiếu; ngày trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế hoặc người nộp thay) đến ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản để thực hiện theo quy định về phối hợp thu NSNN.

Truyền đầy đủ thông tin theo chứng từ nộp NSNN do người nộp thuế lập đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Đối với kênh giao dịch điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chưa tham gia kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Đối với chứng từ nộp NSNN đủ điều kiện trích nợ tài khoản theo đề nghị của người nộp thuế, hệ thống ứng dụng của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tự động tạo “số tham chiếu” của chứng từ giao dịch theo cấu trúc quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Thông tư này và thực hiện theo:

Chuyển tiền, số tham chiếu và đầy đủ thông tin chứng từ giao dịch nộp NSNN đến ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản.

Ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản truyền đầy đủ thông tin chứng từ giao dịch nộp NSNN đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.