Nước Mỹ cần một Tổng thống như Donald Trump để đối đầu với Trung Quốc?
Quan điểm của ông Trump cho rằng Mỹ cần phải tái cân bằng lại mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh trước khi Trung Quốc trở nên quá lớn để thỏa hiệp là hoàn toàn chính xác.
Bài viết thể hiện quan điểm của Thomas L. Friedman, cây bút kỳ cựu chuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế của tờ New York Times.
"Quả bóng văng" Donald Trump
Bạn của tôi, một doanh nhân Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc, mới đây đã đưa ra một lời nhận xét: Donald Trump không hoàn toàn phù hợp với vị trí Tổng thống của nước Mỹ, nhưng chắc chắn ông ấy chính là vị Tổng thống Mỹ mà Trung Quốc xứng đáng phải chịu đựng.
Quan điểm của ông Trump cho rằng Mỹ cần phải tái cân bằng lại mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh trước khi Trung Quốc trở nên quá lớn để thỏa hiệp là hoàn toàn chính xác. Chúng ta cần 1 "quả bóng văng" như Tổng thống Trump để thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, khi chúng ta đã có điều đó, cả hai nước cần phải nhận thức được thời điểm này có ý nghĩa quan trọng như thế nào.
Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, quan hệ Mỹ - Trung có được bước ngoặt sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc và đó cũng là thời điểm định hình mối quan hệ thương mại giữa hai nước dù vẫn còn hạn chế. Sau đó sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 góp phần giúp nước này trở thành cường quốc về thương mại, dưới những luật lệ dành rất nhiều ưu ái cho Trung Quốc bởi nước này vẫn được coi là 1 quốc gia đang phát triển.
Ở thời điểm hiện tại, những cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra sẽ một lần nữa định hình mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế đang cạnh tranh gay gắt trên nhiều mặt trận trong bối cảnh các thị trường đang gắn bó với nhau quá chặt chẽ. Bởi vậy, đây không phải là những tranh cãi thương mại đơn thuần. Đây là 1 cuộc xung đột lớn.
Để cuộc chiến này kết thúc tốt đẹp, ông Trump sẽ phải ngừng việc châm chọc Trung Quốc theo cách khá trẻ con trên Twitter, lặng lẽ thúc ép các bên để tạo ra thỏa thuận tái cân bằng tốt nhất trong khả năng của chúng ta (rõ ràng là không thể sửa chữa tất cả mọi thứ cùng một lúc) và tiến lên phía trước mà không lâm vào 1 cuộc chiến thuế quan dai dẳng.
Về phía Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông ấy cũng nên nhận ra rằng Trung Quốc không thể tiếp tục hưởng thụ những đặc quyền về thương mại giống như những gì họ đã được hưởng trong suốt 40 năm qua. Vì thế Trung Quốc nên dẹp bỏ quan điểm mang đậm chủ nghĩa dân tộc "không ai có thể sai bảo Trung Quốc phải làm gì" mà thay vào đó nên tìm kiếm 1 thỏa thuận tốt nhất để cả 2 bên cùng có lợi. Bởi vì Bắc Kinh khó có thể chống đỡ việc các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài nói chung đồng loạt chuyển nhà máy sang nước khác.
Mỹ - Trung nay đã khác xưa
Suốt từ những năm 1970 đến nay, quan hệ thương mại Mỹ - Trung khá nhất quán: chúng ta mua đồ chơi, áo phông, giày tennis, máy móc và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, ngược lại họ mua đậu tương, thịt bò và máy bay Boeing của chúng ta.
Và khi cán cân thương mại bị lệch về một phía – vì Trung Quốc không chỉ lớn mạnh bằng cách làm việc chăm chỉ, xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư vào con người mà còn bằng cách ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ, bằng cách trợ cấp cho các công ty của họ hay duy trì mức thuế cao, phớt lờ các quy định của WTO và cả ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, Bắc Kinh lại xoa dịu chúng ta bằng cách mua thêm máy bay Boeing, thịt bò và đậu tương.
Trung Quốc luôn nói rằng họ vẫn là "một nước đang phát triển nghèo khó" cần được bảo vệ lâu hơn nhưng thực tế là họ đã trở thành nước sản xuất hàng đầu thế giới. Chính Mỹ cũng đã tạo điều kiện cho sự trối dậy của Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường tiếp theo. Hai nước đã cùng chung tay khiến toàn cầu hóa lan rộng và giúp thế giới thịnh vượng hơn.
Tuy nhiên đã xuất hiện một vài thay đổi mà chúng quá lớn để bỏ qua. Đầu tiên, Trung Quốc thông báo kế hoạch "Made in China 2025", hậu thuẫn cho một số công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước để họ có thể vươn lên dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, nguyên vật liệu mới, công nghệ nhận diện khuôn mặt, robotic, xe điện, xe tự hành, công nghệ 5G và các con chip tiên tiến.
Đó là 1 bước tiến tự nhiên khi Trung Quốc muốn nhảy vọt từ 1 quốc gia thu nhập trung bình và giảm phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Nhưng điều này lại dẫn đến việc đối đầu trực diện với các công ty tốt nhất của Mỹ.
Kết quả là, chính sách trợ cấp, chủ nghĩa bảo hộ, các hành vi gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trở thành một mối đe dọa lớn. Tổng thống Trump đã đúng khi cho rằng Trung Quốc không thể tiếp tục làm như vậy.
Tuy nhiên, ông ấy đã sai khi cho rằng thương mại cũng giống như chiến tranh. Chiến tranh thì chỉ có bên thắng bên thua, trong khi trong quan hệ thương mại hoàn toàn có thể làm cho cả 2 bên cũng chiến thắng. Alibaba, UnionPay, Baidu và Tencent cùng Google, Amazon, Facebook và Visa có thể chiến thắng cùng lúc, và thực tế là điều đó đang diễn ra.
Dẫu vậy, phần thắng có thể bị bóp méo nếu như có sự gian lận. Nếu thương mại chỉ xoay quanh đồ chơi và tấm pin năng lượng mặt trời thì câu chuyện đơn giản, nhưng chuyện sẽ phức tạp hơn khi nhìn vào công nghệ 5G và máy bay chiến đấu F-35.
Chúng ta đang sống trong thế giới "lưỡng dụng", mà trong thế giới ấy giống như John Arquilla (một trong những chiến lược gia hàng đầu tại trường Hải quân Hoa Kỳ) đã nói: "mọi thứ trao cho chúng ta sức mạnh và thịnh vượng đều có thể đem lại nguy hiểm". Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các thiết bị 5G của Huawei. Chúng có thể truyền dữ liệu siêu nhanh nhưng cũng có thể trở thành 1 nền tảng phục vụ hoàn hảo cho công tác tình báo. Bên cạnh đó Huawei cũng là ví dụ hoàn hảo cho 1 doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp Mỹ khi họ nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Chính phủ Trung Quốc.
Xưa kia, khi thương mại giữa hai nước chỉ xoay quanh giày tennis, tấm pin năng lượng mặt trời cùng đậu tương và máy bay Boeing, gian lận thương mại không đáng chú ý. Thế nhưng khi Huawei cạnh tranh với AT&T và Verizon về công nghệ 5G trong khi 5G sẽ trở thành xương sống mới của mọi lĩnh vực, từ thương mại điện tử, viễn thông đến y tế, giáo dục, vận tải thì câu chuyện đã khác. Niềm tin và sự minh bạch có ý nghĩa quan trọng. Trong khi đó, niềm tin mà hai nước trao cho nhau đang bị suy giảm.
James McGregor, một trong những cố vấn dạn dày kinh nghiệm nhất cho các doanh nghiệp Mỹ về thị trường Trung Quốc, từng nhận xét dường như thay vì "cải cách và mở cửa", Trung Quốc lại đang "cải cách và đóng cửa".
Những vấn đề tồn đọng này đang trở thành trọng tâm của các cuộc đàm phán thương mại. Chỉ khi Mỹ hoặc Trung Quốc tìm ra được cách củng cố lại niềm tin giữa hai nước, tiến trình toàn cầu hóa mới có thể tiếp tục. Còn trong trường hợp ngược lại, cả hai nước và cả thế giới sẽ nghèo đi vì toàn cầu hóa rạn vỡ.