Tỷ số "trận đấu thương mại" Mỹ - Trung hiện tại thế nào?
Mỹ và Trung Quốc đang “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau trong cuộc chiến thương mại. Hai bên vẫn bất phân thắng bại, quyết không nhượng bộ.
“Xét theo góc độ kinh tế, không ai là người chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Còn về địa chính trị, người ta chỉ quan tâm ai mất nhiều hơn mà thôi”, Tom Orlik, kinh tế trưởng tại Bloomberg, bình luận.
“Mỹ cược rằng đó là Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì cho rằng Mỹ sẽ chẳng đủ dũng cảm để chiến đấu”.
Thâm hụt thương mại
Tổng thống Donald Trump dường như chỉ sử dụng cán cân thương mại song phương để xác định Mỹ đang thắng hay thua Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Số liệu cho thấy ông còn một chặng đường dài phía trước nhưng thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã thu hẹp trong vài tháng qua.
Trong tháng 3, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung đã xuống thấp nhất 3 năm. Giới chuyên gia kinh tế vẫn đang tranh luận xem liệu đây có phải một thước đo hữu ích.
Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung kể từ đầu năm 2018.
Giá cả
Phe chỉ trích cho rằng chính sách thuế mà Tổng thống Trump triển khai đã khiến giá hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ tăng, dù tình trạng này chưa xảy ra trên diện rộng. Các dấu hiệu lạm phát do chiến tranh thương mại bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá bán các mặt hàng nằm trong 7 nhóm chịu thuế tăng 1,6% trong tháng 4 kể từ khi Mỹ áp thuế lần đầu tiên với hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 7/2018. Với Trung Quốc, thuế cao hơn đối với hàng Mỹ nhập khẩu không ảnh hưởng đến người tiêu dùng Trung Quốc bởi phần lớn chúng là sản phẩm đầu vào công nghiệp, không phải sản phẩm cuối cùng.
7 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ chịu thuế nhiều nhất là đậu tương, vàng, đồng phế liệu, giấy phế liệu, khí thiên nhiên hóa lỏng, bông và propane hóa lỏng. Do người Mỹ chịu giá cao hơn, Trung Quốc ghi điểm.
Diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đối với 7 nhóm hàng bị áp thuế và phần còn lại.
Niềm tin người tiêu dùng
Dù niềm tin tiêu dùng Mỹ phục hồi trong tháng 4, nhờ thị trường lao động thắt chặt và lương tăng, tăng trưởng bán lẻ lại giảm lần thứ 2 trong vòng 3 tháng. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc trong cùng tháng, tăng trưởng bán lẻ giảm tốc mạnh hơn dự kiến, làm suy yếu động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số hai thế giới.
Người Mỹ nhìn chung không quá bi quan về triển vọng cuộc chiến thương mại nhưng điều này có thể thay đổi nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc nhập khẩu.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc và Mỹ.
Cuộc chiến tiền tệ
Nhân dân tệ đã suy yếu khoảng 7,5% so với USD trong năm qua. Điều này giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc có “đệm đỡ” quan trọng để đối phó thuế của ông Trump. Nhân dân tệ còn có thể suy yếu hơn nữa. Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ cho phép nhân dân tệ suy yếu đến mức nào trước khi áp lực rút vốn khỏi Trung Quốc xuất hiện, buộc nước này phải dùng đến dự trữ.
Nhân dân tệ suy yếu có thể mang lại cả kết cục tốt lẫn xấu cho kinh tế Trung Quốc, đồng nghĩa “hiệp đấu” này hai bên hòa.
Diễn biến tỷ giá CNY/USD qua các năm.
Thị trường chứng khoán
Năm 2018, thị trường chứng khoán hai nước đều giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ. Dù vậy, Trung Quốc chịu tác động lớn hơn với chỉ số Shanghai Composite mất tới 25% - nhiều gấp 4 lần S&P 500. Hai thị trường gần đây đều đi lên. Câu hỏi đặt ra là xu hướng này có thể kéo dài bao lâu khi đàm phán thương mại đình trệ.
Từ đầu năm 2018, chứng khoán Trung Quốc mất 14%. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ tăng 6%.
Diễn biến chỉ số S&P 500 và Shanghai Composite.
Tăng trưởng kinh tế
Kinh tế Mỹ và Trung Quốc vài tuần gần đây đều có dấu hiệu yếu đi. Trung Quốc công bố sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư trong tháng 4 đều tăng chậm hơn dự báo. Tại Mỹ, doanh số bán lẻ giảm, sản xuất tại các nhà máy cũng giảm lần thứ 3 trong vòng 4 tháng.
Trung Quốc dường như có nhiều dấu hiệu yếu đi hơn và cần theo dõi chặt chẽ. Nếu thuế nhập khẩu có tác động đến tăng trưởng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại có nhiều công cụ tài khóa và tiền tệ để kích cầu hơn Tổng thống Trump.
Diễn biến tăng trưởng GDP của Mỹ và Trung Quốc.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Năm 2018, vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc giảm không đáng kể. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, con số này đi xuống. Báo cáo từ Dự án Đầu tư Mỹ - Trung cho thấy FDI từ Trung Quốc vào Mỹ giảm hơn 80%, về 5 tỷ USD, trong năm 2018. Con số này năm 2017 là 29 tỷ USD và 2016 là 46 tỷ USD. FDI từ Mỹ vào Trung Quốc chỉ giảm còn 13 tỷ USD năm ngoái, từ 14 tỷ USD năm 2017.
Khi đàm phán thương mại song phương bế tắc và cả hai đều muốn củng cố vị thế, con đường phía trước sẽ còn rất dài. Kết quả so sánh cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều đang dẫn trước ở một số tiêu chí nhưng nhìn chung, hai nền kinh tế đều phải trả giá.
Diễn biến FDI của Mỹ vào Trung Quốc và FDI của Trung Quốc vào Mỹ.