Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn được bảo đảm

Trần Huyền

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024.

Nhiều chỉ tiêu cao hơn số đã báo cáo

Tại phiên họp sáng 20/5 của Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, về đánh giá bổ sung kết quả năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình KT-XH 9 tháng và ước cả năm 2023. Trong những tháng cuối năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. 

Tình hình KT-XH những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, có nhiều thay đổi tích cực.

Một số chỉ tiêu KT-XH đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05% (số đã báo cáo đạt trên 5%), thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng ở mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao; lạm phát kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% (số báo cáo tăng khoảng 3,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại khối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, thu NSNN đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2%, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác. 

Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân; bội chi NSNN khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo… Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 02 bậc.

"Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2023 là rất đáng ghi nhận", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định.

Về triển khai kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đổi mới, được tập trung nguồn lực thực hiện. Nghiêm túc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, hoàn thiện, trình Quốc hội các dự án luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5  và Kỳ họp thứ 7 khóa XV, bảo đảm tiến độ, chất lượng...

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2023, KT-XH nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Năm 2023, kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu NSNN , xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI… 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

Về tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Ở trong nước, 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để xem xét những nội dung quan trọng, trong đó đã sửa đổi, thông qua Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. 

Bên cạnh kết quả đạt được, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, tình hình KT-XH cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2024, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chính phủ cần tiếp tục nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. 

Cùng với đó, cần có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động; thúc đẩy chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Chính phủ cần đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. 

Thêm vào đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay.

Cùng với đó, tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cùng với các có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối NSNN, bội chi, nợ công; tiết kiệm chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng NSNN.

Cùng với các nội dung trên, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính tạp thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và hoạt động của người dân, doanh nghiệp...