Ông Jim Yong Kim sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo WB

Theo TTXVN

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị này trong nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp, sau khi thời hạn đề cử ứng cử viên lãnh đạo WB đã kết thúc ngày 14/9 mà không có thêm ai được đề xuất.

Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), ông Jim Yong Kim.
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), ông Jim Yong Kim.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Ban điều hành WB cho biết tiếp sau các thủ tục chính thức, họ sẽ gặp ông Jim Yong Kim với tư cách ứng cử viên và "dự kiến hoàn tất quá trình lựa chọn trong Hội nghị Thường niên 2016", diễn ra từ ngày 7-9/10 tới. 

Ông Jim Yong Kim, 56 tuổi, là người Mỹ gốc Hàn Quốc. Ông từng là một bác sỹ trước khi trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phát triển và từng giữ chức Giám đốc Chương trình chống HIV/AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dự kiến, nhiệm kỳ đầu tiên của ông sẽ kết thúc vào ngày 30/7/2017. Kể từ khi nắm quyền, ông Kim đã tiến hành một cuộc cải cách cấu trúc lớn gây khó khăn cho nhiều nhân viên.

Trước đó, ông Jim Yong Kim đã nhận được sự ủng hộ lớn từ Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc và các nước cổ đông lớn khác trong WB. 

Tuy nhiên, việc ông Jim Yong Kim trở thành lãnh đạo WB cách đây 4 năm đã khiến thể chế cho vay này đối mặt với nhiều lời chỉ trích do tiến trình bầu chọn được tổ chức không thực sự mở rộng đối với tất cả các cá nhân muốn ứng cử. 

Theo "luật bất thành văn," các chính phủ châu Âu lựa chọn người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Mỹ quyết định về người đứng đầu WB. Chủ tịch Jim Yong Kim là người được Mỹ, quốc gia đóng góp lớn nhất cho WB, lựa chọn.

Hồi tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Nhân viên WB, đại diện cho hơn 15.000 người, đã công bố một bức thư ngỏ, trong đó cho rằng thể chế tài chính này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lực lãnh đạo, với chỉ 1/3 số nhân viên hiểu đường hướng mà ban lãnh đạo cấp cao đang dẫn dắt. Bức thư kêu gọi một quy trình tuyển chọn minh bạch trên cơ sở tiêu chí rõ ràng. 

Phản ứng về bức thư này, WB cho biết ban giám đốc, đại diện cho 189 nước thành viên, cách đây 5 năm đã thông qua các điều luật nhằm đảm bảo một tiến trình bầu chọn mở và dựa trên năng lực.