Ngân hàng nội đối mặt đối thủ ngoại
Các tổ chức nước ngoài đang đẩy mạnh việc mua cổ phần của ngân hàng gốc quốc doanh để thâm nhập nhanh chóng vào thị trường tài chính còn rất “màu mỡ” tại Việt Nam. Họ, những cổ đông lớn mang lại hiệu ứng tốt hơn cho thương hiệu ngân hàng, hỗ trợ quản trị, định hướng kinh doanh.…
Sức ép từ sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài cộng với các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ ngày càng lớn trong tương lai gần. Vì vậy, trước việc đã và sẽ đối mặt nhiều đối thủ ngoại, các ngân hàng Việt phải thay đổi tư duy hội nhập, tích cực, chủ động hơn trong cạnh tranh sắp tới.
Mới đây, ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Ngân hàng CIMB Bank Berhad tại Việt Nam với mức vốn điều lệ 3.203 tỷ đồng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thành lập.
Đây là ngân hàng 100% vốn Malaysia thứ hai được cấp phép thành lập tại Việt Nam. Trước đó. vào tháng 3/2016, NHNN đã ban hành giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Ngân hàng Public Bank Perhad của Malaysia tại Việt Nam).
Ngân hàng ngoại đổ bộ
Tính đến nay, tại Việt Nam đã có 7 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động, gồm ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Public Bank Perhad Việt Nam, CIMB Bank Berhad Việt Nam.
Đó là chưa kể hai ngân hàng khác cũng được NHNN chấp thuận về nguyên tắc, cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là Woori bank (Hàn Quốc) và Citibank (Mỹ).
Ngoài ra, còn có nhiều ngân hàng trong nước đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại (Vietcombank, Eximbank, Vietinbank, ACB, Sacombank, OCB, SeABank…). Tuy vậy, tiếng nói của đối tác ngoại trong các ngân hàng này còn rất khiêm tốn.
Mới đây nhất (gần cuối tháng 8/2016) là thương vụ của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC, thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới) với khoản đầu tư có giá trị 403,1 tỷ đồng (tương đương 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi cổ tức sẽ cho phép IFC trở thành cổ đông sở hữu 4,999% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Khoản đầu tư của IFC đồng nghĩa với việc TPBank sẽ có khả năng cung cấp khoản vay cho trên 40.000 khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng giá trị cho vay khoảng 2 tỷ USD trong 5 năm tới.
Như nhận định của TS. Lê Thị Xuân, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng – Đại học Đại Nam, các thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài giúp các ngân hàng thương mại trong nước tận dụng được nguồn vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cũng như các cơ hội kinh doanh ra bên ngoài, nhất là trong điều kiện năng lực tài chính, năng lực kinh doanh và kinh nghiệm quản lý của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn nhiều hạn chế như hiện nay.
Được biết, trong khuôn khổ TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, điều kiện để thành lập một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản có trên 20 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm xin phép. Còn điều kiện để thành lập một ngân hàng liên doanh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài là ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản trên 10 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm xin phép.
Trong một lần trao đổi với PV Thời báo Kinh Doanh trước sự hiện diện của ngân hàng ngoại trong bối cảnh hội nhập, TS. Alan Phạm, Kinh tế trưởng Tập đoàn Vina Capital, cho rằng lĩnh vực ngân hàng có cơ sở tốt để cạnh tranh, nhưng các ngân hàng trong nước phải tích cực hơn trong cạnh tranh sắp tới. Nhất là các ngân hàng nội sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngay những ngân hàng trong khu vực ASEAN.
Tăng sức ép cạnh tranh
Theo TS. Alan Phạm, hệ thống ngân hàng Việt Nam là một hệ thống có rất nhiều ngân hàng nhưng hầu như khách hàng vẫn chưa được phục vụ một cách tốt đẹp. Thành ra, các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ rằng họ có thể mang những kinh nghiệm đến Việt Nam để đa dạng hoá những dịch vụ ngân hàng.
Hơn nữa, các ngân hàng Việt từ trước đến nay quá nhìn vào trong thị trường trong nước. Đó cũng chính là điểm yếu. Chưa kể, các ngân hàng nội vẫn trong tình trạng được chuyển đổi, chẳng hạn như nợ xấu. Đây là khâu mà các ngân hàng ngoại có thể góp vốn và mang những kinh nghiệm để giải quyết nợ xấu.
“Thu nhập của các ngân hàng Việt Nam hầu như 60% – 70% là từ cho vay. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài bảo rằng tại sao cho vay lại chiếm một tỷ lệ quá cao như vậy, tại sao không giảm bớt tỷ lệ cho vay và phát triển đa dạng những dịch vụ khác? Chẳng hạn những dịch vụ rất quan trọng cho khách hàng như dịch vụ sổ sách doanh nghiệp, quản trị tiền nong cho những người thu nhập cao hoặc ngoại hối…” – TS. Alan Phạm đặt vấn đề.
Theo bà Vũ Minh Châu, Vụ Hợp tác Quốc tế – Ngân hàng Nhà nước, khó khăn thách thức đối với các ngân hàng thương mại trong nước hiện nay là vốn thấp, chất lượng tài sản chưa cao dẫn đến khó khăn trong đầu tư, mở rộng quy mô phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khi áp lực cạnh tranh từ phía ngân hàng nước ngoài ngày càng tăng.
Bà Châu cho rằng sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng trong nước còn chưa đa dạng. Trong khi đó, với cam kết cho phép các tổ chức tài chính được cung cấp dịch vụ tài chính mới (khi được NHNN cho phép), sức ép cạnh tranh từ sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài ngày càng lớn.
Vì vậy, như khuyến nghị của bà Vũ Minh Châu, thời gian tới, cần tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống tín dụng trong nước cũng như hoàn thiện pháp luật và thể chế ngành ngân hàng nhằm phát triển bền vững hệ thống tài chính, tiền tệ.