Parkson đóng cửa, trung tâm thương mại cao cấp “giật mình”

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng gay gắt, việc thiếu đa dạng, chủ yếu kinh doanh hàng hiệu thời trang đắt tiền dẫn tới lượng khách hàng đến giảm dần… là nguyên nhân khiến Parkson phải đóng cửa 4 trung tâm thương mại. Đây cũng là bài học cho các trung tâm thương mại cao cấp nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ nói chung.

Parkson Flemington ở TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức đóng cửa, nâng số trung tâm thương mại của Parkson không còn hoạt động tại Việt Nam lên con số 4. Nguồn: Internet
Parkson Flemington ở TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức đóng cửa, nâng số trung tâm thương mại của Parkson không còn hoạt động tại Việt Nam lên con số 4. Nguồn: Internet

Sau 8 năm mở cửa hoạt động, Parkson Flemington ở TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức đóng cửa, nâng số trung tâm thương mại không còn hoạt động tại Việt Nam lên con số 4.

Không bất ngờ

Lần đóng cửa này của Parkson không gây bất ngờ, vì trước đó đã đóng cửa 3 trung tâm thương mại là Parkon Keangnam (1/2015), Parkson Paragon (5/2016), Park Viet Tower (12/2016).

Hiện nay, Parkson còn duy trì 4 trung tâm thương mại và các trung tâm thương mại này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ với những trung tâm thương mại đa chức năng ra đời sau này. 

Điểm đáng lưu ý là trước khi thu hẹp mạng lưới bán lẻ của mình, Parkson từng có những năm tháng làm ăn rất tốt tại Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2010.

Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh này bắt đầu bộc lộ một số nhược điểm khi xuất hiện các trung tâm thương mại kiểu mới đa chức năng. Các trung tâm thương mại của Parkson thiếu đa dạng, ẩm thực không phong phú, hàng hiệu đắt đỏ dẫn tới lượng khách đến giảm dần. 

Trước thông tin Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4, chị Hạnh (Hà Nội) chia sẻ chị đã có trực giác đóng cửa khi bước chân vào Parkson: “Mình tự hỏi sao Parkson tồn tại được khi hầu hết nhân viên của họ chỉ đứng do rất ít khách hỏi mua hàng”.

Một khách hàng khác cho biết chủ yếu vào Parkson để xem hàng chứ không thể mua vì giá cả quá đắt đỏ so với thu nhập của mình. 

“Đã có dịp ghé vào thấy bộ váy giá 60 triệu đồng, sau 2 tháng ghé lại cũng thấy trưng bày bộ váy đó nhưng giảm giá 50%. Giảm thế mà vẫn ế, vậy nguyên nhân từ đâu?”, chị này đặt câu hỏi.

Các chuyên gia cũng từng cho rằng việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm cao cấp, các trung tâm thương mại ở Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh của trung tâm thương mại ở các nước trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản… – nơi giới giàu có thể dễ dàng đến để mua hàng cao cấp hoặc những nhà phân phối từ các nước này vào cạnh tranh.

Cạnh tranh khốc liệt

Mặc dù Parkson đóng cửa tới 4 trung tâm thương mại nhưng sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tính từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 13 trung tâm thương mại được đưa vào vận hành, cung cấp thêm 638.000m2 diện tích cho thuê (tương ứng tăng 77%).

Dự báo trong 3 năm tới, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp của CBRE Việt Nam, cho biết cạnh tranh trong thị trường bán lẻ sẽ tăng mạnh do một lượng lớn mặt bằng bán lẻ ở dưới khối căn hộ để ở sẽ được chào thuê. 

Cùng với đó là thương mại điện tử nhận được sự quan tâm hơn từ phía nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tính đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng 60% so với năm 2017 và sẽ chiếm gần 1,5% tổng doanh thu bán lẻ. 

Đồng thời, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Thời gian qua đã có một làn sóng các “đại gia” Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… tham gia thị trường bán lẻ trong nước. Aeon dự kiến mở tới 20 trung tâm lớn, Lotte bắt đầu với các trung tâm cao cấp tại vị trí đắc địa.

Là nhà bán lẻ hàng đầu, Parkson mang vào Việt Nam mô hình kinh doanh theo hướng siêu thị hàng hiệu cao cấp chia theo từng nhãn hàng và hầu hết chỉ cung cấp duy nhất dòng sản phẩm này trong trung tâm thương mại của mình. Tuy nhiên, do thu nhập của người dân chưa cao nên nhu cầu các sản phẩm hàng hiệu trở thành một thứ xa xỉ. 

Vì vậy, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng trong kinh tế thị trường về bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị nên chọn phân khúc khách hàng phù hợp, tổ chức nguồn hàng tận gốc, có chất lượng; Tính toán hiệu quả kinh doanh, xây dựng thương hiệu.

Đồng thời, thất bại từ việc “chậm” thay đổi của Parkson là lời “cảnh tỉnh” với các doanh nghiệp bán lẻ, nếu không làm mới mình ắt sẽ bị đào thải.