PCI 2017 - Ấn tượng chất lượng điều hành của các chính quyền địa phương
Theo Báo cáo điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 22/3/2018, hai trong số những tỉnh tốt nhất năm 2017 nằm trong danh sách các tỉnh có mức cải thiện điểm số cao, đó là Quảng Ninh và Long An.
Theo Bảng xếp hạng PCI 2017, những tỉnh có sự cải thiện lớn nhất qua các năm là Bạc Liêu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Tĩnh ở khu vực Bắc Trung Bộ và Thái Bình ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Hai trong số những tỉnh tốt nhất năm 2017 cũng nằm trong danh sách các tỉnh có mức cải thiện điểm số cao, đó là Quảng Ninh và Long An.
Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100. Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017 lần lượt gồm: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm), Bến Tre (66,7 điểm), Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), TP. Hồ Chí Minh (65,2 điểm), Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm). Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh…
PCI 2017 đã ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền địa phương trên cả nước. So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017. Các địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động áp dụng thực tiễn, kinh nghiệ m tốt của những tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh của mình.
“Nhiều chính sách, chỉ dạo quan trọng của Chính phủ như loạt Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp đang phát huy những hiệu quả tích cực”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
CPI 2017 cũng cho thấy, tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh. 52% doanh nghiệp dân doanh trong số doanh nghiệp được hỏi cho biết, sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%.
Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ hơn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết họ đang có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Các doanh nghiệp FDI cũng đã có những đánh giá tích cực hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. “Thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã cải thiện đáng kể. Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với doanh nghiệp FDI như bảo hiểm xã hội, thuế, lao động cũng đã được giảm bớt so với những năm trước”, Báo cáo điều tra PCI 2017 nhận định.
Tương tự như đối với các doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp FDI cho biết, việc chi trả chi phí không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu đã giảm đáng kể so với trước đây. “Báo cáo PCI có tác động to lớn trọng việc thúc đẩy tính minh bạch và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam và điều này góp phần quan trọng vào việc tăng cường các cơ hội đầu tư và thương mại tại Việt Nam”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink chia sẻ.
Với mong muốn, Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự thịnh vượng trong năm 2018, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khuyến nghị: Chính quyền các cấp cần tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh của năm 2017 trong thời gian tới, cụ thể trong một số lĩnh vực như: Thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy… Quan trọng hơn là Việt Nam cần có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, nhất là nhân lực trình độ cao, nhóm lao động mà các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng.
Được VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ thực hiện năm thứ 13 liên tiếp, báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố Việt Nam.