Liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI: Chưa xứng với kỳ vọng
Vấn đề về tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã được Chính phủ nhận diện từ lâu. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn chậm so với kỳ vọng của Chính phủ và mức độ cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực.
Bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa
Thời gian qua, khu vực đầu tư nước ngoài đã tạo ra những lợi ích khá rõ nét và bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa đối với những lĩnh vực khác của nền kinh tế thông qua việc giới thiệu công nghệ và bí quyết mới, chuẩn mực quốc tế trong sản xuất và dịch vụ, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động cũng như tạo ra việc làm trong các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành du lịch.
Kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã bước đầu đạt được kết quả khả quan. Một số doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam để phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu thâm nhập vào chuỗi cung ứng của một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG...
Theo kết quả điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, có khoảng 14% số doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Từ phía các doanh nghiệp FDI, theo thống kê, có khoảng 26,6% đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam. Tỷ lệ này chưa phải là cao song cũng là tín hiệu tích cực cho thấy dấu hiệu cải thiện mối liên kết giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước theo thời gian.
Kết quả trên còn chậm so với kỳ vọng của Chính phủ và mức độ cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực. Nhiều chuyên gia vẫn trăn trở khi Việt Nam chưa tận dụng được hết các cơ hội từ hội nhập. Tính lan tỏa của khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, quy mô FDI trong nền kinh tế khá lớn, nhưng giá trị gia tăng không cao. Phần lớn các nguyên liệu, phụ tùng phục vụ sản xuất cho các ngành sản xuất của doanh nghiệp FDI vẫn là nhập khẩu. Các trung tâm nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp FDI chưa được thành lập nhiều ở Việt Nam. Doanh nghiệp FDI vẫn tồn tại tương đối biệt lập với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa của FDI về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chất lượng giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân chính là do các chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa được thực thi tốt và hiệu quả.
Ở cấp độ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ để chủ động tham gia liên kết với khu vực doanh nghiệp FDI.
Vấn đề cốt lõi là mỗi doanh nghiệp trong nước phải chủ động trong việc tận dụng các chính sách ưu đãi, lợi thế cạnh tranh để nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời phải có chiến lược tiếp cận những doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị.
Chính sách đầu tư nước ngoài không tự động tạo ra liên kết và thúc đẩy việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước. Các chính sách đầu tư nước ngoài sẽ phát huy vai trò hỗ trợ, chỉ được thực hiện song hành với các chính sách khác về thương mại, phát triển và đào tạo kỹ năng lực lượng lao động cùng với hỗ trợ cải thiện khung và năng lực thể chế.
Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về chiến lược khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường quan hệ với doanh nghiệp FDI mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực kinh tế trong nước.
Thủ tướng khẳng định, nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là đẩy mạnh thực thi các chính sách, giải pháp được ban hành thời gian qua về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển đủ khả năng trở thành đối tác, nhà cung cấp cho các Tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực về công nghệ, quản lý và nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI; Hình thành các cụm liên kết theo ngành lĩnh vực và có chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia, cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao trong một số lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước còn yếu và thiếu; Khuyến khích các doanh nghiệp FDI chủ động liên kết với doanh nghiệp trong nước, tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.