“Phá sản” kịch bản tỷ giá 2020
Kịch bản VND chỉ mất giá khoảng 1-2% trong năm nay mà giới chuyên gia dự kiến hồi đầu năm có nguy cơ “phá sản” khi tỷ giá đang đối mặt với nhiều sức ép.
Dịch COVID-19 có xu hướng lan rộng toàn cầu, khiến giới đầu tư mạnh tay mua vào USD, đẩy đồng tiền này tăng 2,6% kể từ đầu năm nay.
Sức ép từ nhiều phía
Tỷ giá trong nước vì thế cũng tăng liên tục kể từ đầu năm nay. Mặc dù tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh giảm nhẹ trong một số phiên gần đây xuống còn 23.234 đồng/USD, nhưng so với cuối năm trước tỷ giá trung tâm đã tăng 0,34%.
Trong khi đó, giá bán ra tại các ngân hàng tăng thêm tới 100 đồng, dao động trong khoảng 23.310 – 23.330 đồng/USD.
Theo một chuyên gia ngoại hối, tỷ giá trong nước đang chịu nhiều sức ép, xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Bên ngoài, dịch COVID-19 đã đẩy USD tăng giá mạnh, trong khi lại khiến các đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là NDT rớt giá mạnh. Mặc dù các đồng tiền này diễn biến trái ngược, song đều tạo áp lực tăng tỷ giá trong nước.
Ở trong nước, tỷ giá cũng chịu áp lực không nhỏ khi mà lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh, trong khi nguồn cung ngoại tệ không còn dồi dào như năm trước do xuất khẩu gặp khó, FDI, thu từ du lịch cũng giảm mạnh vì dịch bệnh.
Giải pháp của doanh nghiệp
Trước thực trạng trên, điều hành tỷ giá luôn là một bài toán khó đối với cơ quan quản lý. Nếu để VND mất giá theo đà tăng của USD cũng như tốc độ rớt giá của các đồng tiền trong khu vực, có thể có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này lại gây thiệt hại cho hoạt động nhập khẩu, nhất là khi sản xuất – xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Nguy hiểm hơn, việc VND giảm giá mạnh sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, có nguy cơ phá vỡ sự ổn định của kinh tế vĩ mô, cũng như làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.
Thế nhưng, giữ tỷ giá ổn định cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận VND tăng giá so với nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là NDT. Điều đó sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vốn cũng đang phải vật lộn với khó khăn do dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu để giảm sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, cần tận dụng tối đa cơ hội mà các Hiệp định tự do mang lại, đặc biệt là CPTPP và EVFTA. Bên cạnh đó, cần nâng cao hàm lượng giá trị trong hàng xuất khẩu…
Ngoài ra, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, như hợp đồng giao dịch ngoại tệ kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất... “Các doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ này để hạn chế rủi ro tỷ giá trong giao thương quốc tế ngay cả khi không có dịch, bởi tỷ giá luôn biến động hàng ngày và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thiên tai, dịch bệnh chỉ là một phần”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.