Phải định nghĩa đúng “hàng Việt Nam”

Theo Nguyễn Hoàng/doanhnhansaigon.vn

Trong quý II, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 63,86 tỷ USD, tăng 9,3% trong quý II và đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% trong 6 tháng đầu năm.

Trong quý II, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 63,86 tỷ USD.
Trong quý II, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 63,86 tỷ USD.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong báo cáo mới nhất đã ghi nhận, mức tăng này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, mức 16,4%, do ba nguyên nhân chính: Suy giảm thương mại toàn cầu trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI, việc xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm tới 97,5% là một ví dụ, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm mạnh do gặp nhiều khó khăn cả về giá và các yêu cầu, quy định của một số thị trường nhập khẩu, như Trung Quốc, Úc, EU khiến khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ tăng 2,19% trong quý II và 2,39% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn cùng kỳ năm 2017-2018.

Nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ nhưng mở cửa hội nhập sâu rộng thì khó tránh khỏi những tác động từ thương chiến Mỹ - Trung, như trong 6 tháng đầu năm, đã thâm hụt thương mại 34 triệu USD. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 22,4%, Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch đạt 36,8 tỷ USD, tăng 21,8%. Điều này làm dấy lên lo ngại hàng xuất khẩu của Trung Quốc chuyển hướng từ Mỹ sang Việt Nam. Từ năm 2018, Mỹ đã lưu tâm điều tra hàng hóa Trung Quốc qua Việt Nam để lẩn tránh thuế khi xuất sang Mỹ. 

Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam đang là yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 được dự báo ở mức 6,82% và tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%, với thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, một khái niệm tưởng chừng đơn giản là “hàng Việt Nam” hầu như lại chưa được định nghĩa một cách xác đáng, khoa học. Nói không quá, hình dung về khái niệm “hàng Việt Nam” cũng đại khái, thiếu rõ ràng như cách nhìn nhận về yêu cầu chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong chừng mực ấy, việc hàng nhập khẩu gian lận xuất xứ, nhãn mác hàng Việt Nam không phải là vấn đề mới. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ có thể áp đặt mức thuế cao đối với hàng gian lận xuất xứ từ Việt Nam và những hệ lụy đi kèm buộc các cơ quan phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về “hàng Việt Nam”. 

Tiếp cận định nghĩa “hàng Việt Nam” theo chủ sở hữu doanh nghiệp là người Việt Nam là đơn giản nhất, song không giải quyết được vấn đề và rủi ro đang hiện hữu. Tiếp cận theo quy tắc xuất xứ trong các FTA của Việt Nam là một lựa chọn dễ được chấp nhận khác, nhưng phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam - kể cả của một số doanh nghiệp tư nhân lớn mới tham gia vào công nghiệp chế biến, chế tạo có thể không đáp ứng được.

Thực tiễn đến năm 2018 cho thấy, tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng được ưu đãi trong các FTA, trong đó có đáp ứng quy tắc xuất xứ, còn khá khiêm tốn. Cạnh đó, việc tập trung thanh kiểm tra gian lận xuất xứ, nếu không được tổ chức tốt, có thể làm tăng tổn phí cho doanh nghiệp, qua đó làm giảm, thậm chí đảo ngược thành quả đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trong những năm trước. 

Khó có thể phán đoán kết cục thương chiến Mỹ - Trung. Thực tế này khiến nhiều chuyên gia nhận định rằng một chính sách đối phó cứng nhắc sẽ không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế cũng như xuất khẩu. Vì thế, Việt Nam cần có giải pháp để cân bằng thương mại với Mỹ, trong đó lưu ý việc xóa bỏ tình trạng hàng nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ.

Cạnh đó, việc đối thoại cởi mở với Mỹ về xuất xứ hàng hóa, từ đó định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ có ý nghĩa hơn việc nghi ngờ, thanh kiểm tra một cách hành chính đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Việt Nam cũng cần trao đổi thường xuyên, thẳng thắn với phía Trung Quốc để tháo gỡ các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tránh để tồn tại những khác biệt lớn giữa số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do Việt Nam công bố và số liệu xuất khẩu sang Việt Nam do phía Trung Quốc công bố.