Giảm các vụ việc như Asanzo, Bộ Công Thương gấp rút xây dựng quy định về "hàng hóa xuất xứ Việt Nam"

Theo Hạ An/tapchicongthuong.vn

Liên quan đến vụ việc của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cũng như trao đổi với các bộ ngành liên quan để xây dựng văn bản quy định cụ thể về hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam.

Hiện tại chưa có quy định rõ ràng về xác định xuất xứ, tỷ lệ bao nhiêu thì được xác định là hàng hoá xuất xứ ở Việt Nam, hàng hoá sản xuất ở Việt Nam.
Hiện tại chưa có quy định rõ ràng về xác định xuất xứ, tỷ lệ bao nhiêu thì được xác định là hàng hoá xuất xứ ở Việt Nam, hàng hoá sản xuất ở Việt Nam.

Nghi vấn Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam gian lận xuất xứ hàng hóa thời gian qua là chủ đề nóng được đề cập đến trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 4/7/2019.

Chia sẻ thông tin với báo chí, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng Chính Phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối rà soát vụ việc, vì Bộ Tài chính là cơ quan thường trực trong Ban Chỉ đạo quốc gia chống gian lận thương mại buôn lậu (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), phối hợp với các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Về phần mình, Bộ Công Thương đang tích cực và có ý thức trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết thêm, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại đặt ra yêu cầu xác định tỉ lệ giá trị hàm lượng từ một quốc gia, khu vực của hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng không yêu cầu bắt buộc về việc ghi nhãn hàng hóa.

Trong khi đó, quy định ghi nhãn hàng hóa tiêu thụ trong nước của Việt Nam dù mang tính bắt buộc nhưng để cho doanh nghiệp tự lựa chọn nội dung ghi nhãn phù hợp liên quan tới xuất xứ.

Còn phương pháp phổ biến nhất là xác định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong sản phẩm, nói nôm na là xác định xem giá trị được tạo ra tại khu vực có liên quan là bao nhiêu. Nếu khu vực là một nước, thí dụ Việt Nam, thì xem phần giá trị được tạo ra trên lãnh thổ VN là bao nhiêu; nếu khu vực là ASEAN thì xem phần giá trị được tạo ra trong phạm vi ASEAN.

Quy định về xuất xứ hàng hoá chúng ta thực hiện theo các cam kết quốc tế. Tất cả các quy định đó phục vụ cho hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu chứ không quy định việc dán nhãn.

Hiện tại, chúng ta chưa có quy định rõ ràng về xác định xuất xứ, tỷ lệ bao nhiêu thì được xác định là hàng hoá xuất xứ ở Việt Nam, hàng hoá sản xuất ở Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng chưa áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.

Theo quy định hiện hành ở Nghị định 43/2017, hàng hoá lưu thông trong nước bắt buộc phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tự xác định và có trách nhiệm với thông tin về xuất xứ mình đưa ra.

Trước tình hình chưa có quy định rõ ràng về việc xác định xuất xứ, tỉ lệ như thế nào thì được gọi là hàng hoá Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cũng như trao đổi với các bộ ngành liên quan soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. “Văn bản này dự kiến ở cấp Thông tư, do Bộ Công Thương ban hành. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến rộng rãi các Hiệp hội, doanh nghiệp người tiêu dùng để được sát thực với thực tế và ngăn chặn được tình trạng gian lận thương mại như vừa qua” ông Trần Thanh Hải cho biết.

Trước đó, khi xuất hiện nghi vấn Asanzo dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này. Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...