Phải tạo sự khác biệt cho đặc khu
Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội cuối tuần qua nhưng cũng không chốt được phương án. Khi thảo luận cũng rất nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau của các đại biểu.
Điều đó cho thấy dù chúng ta đi sau nhưng để xây dựng một mô hình đặc khu không đơn giản. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích:
Muốn có đặc khu để cạnh tranh với khu vực và thế giới không thể trói buộc bởi các quy tắc cũ, như vậy sẽ không hiệu quả. Tôi cho rằng vấn đề đầu tiên là thảo luận về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ra sao, để đảm bảo đó là đặc khu theo nghĩa một hệ thống có thể tiếp nhận hình mẫu về mặt thể chế vượt hẳn lên.
Chúng ta cần thảo luận theo hướng này, còn nếu cứ căn cứ vào những ràng buộc cũ để thảo luận sẽ không thoát ra được vòng luẩn quẩn. Xây dựng đặc khu không phải là cơi nới quy định và hạ tầng để lấy đất đặt các nhà máy, giải quyết lao động phổ thông, mà phải suy nghĩ mình đang cạnh tranh với các đặc khu khác trong khu vực và trên thế giới. Nghĩa là phải tư duy “câu cá lớn”, tức hình thành thể chế sao cho hấp dẫn các nhà đầu tư hạng nhất trên thế giới vào đặc khu.
Trước tiên phải xác định rõ đặc khu của cả nước làm được cái gì, chúng ta làm thế được cái gì? Chúng ta đi sau phải làm như thế nào? Thâm Quyến lập một đặc khu để tạo hình mẫu phát triển cho cả Trung Quốc. Chủ tịch Đặng Tiểu Bình yêu cầu Thâm Quyến trở thành hình mẫu, để khi Hồng Công, Ma Cao về Trung Quốc thì Trung Quốc cũng chứng minh được có thể phát triển như vậy. Để Thâm Quyến phát triển từ xuất phát điểm gần như con số 0, thể chế, quyền điều hành đặc khu phải tạo tương đương như Hồng Công, Ma Cao. Như thế mới thu hút được nhà đầu tư.
Trong khi đó chúng ta lại đặt ra luật để tự trói mình. Đơn cử là các khu kinh tế (KKT) ven biển, KKT cửa khẩu, cả KKT mở Chu Lai những ưu đãi cùng lắm chỉ ở mức cao nhất của Việt Nam. Bàn thử nghiệm đặc khu nhưng 10-15 năm nay vẫn ì ạch, muốn vượt lên nhưng khi thảo luận thể chế vẫn cứ theo cách cũ. Luật, thể chế, kinh tế cho đặc khu phải được mạnh dạn làm mới.
Phóng viên: Vậy theo ông để đặc khu có sức cạnh tranh thể chế phải như thế nào?
Ông Trần Đình Thiên: Đặc khu phải có sự đặc biệt. Nhưng đặc biệt là so với cái gì? Có 2 lập luận cơ bản. Thứ nhất, phải khác hẳn phần không phải đặc khu của Việt Nam. Nếu chỉ cơi nới thêm không có ý nghĩa gì.
Thí dụ, chúng ta đang chuyển sang kinh tế thị trường thì đặc khu phải chuyển ngay lập tức sang kinh tế thị trường hiện đại. Thứ hai, đặc khu không phải so với trong nước mà phải tạo sự khác biệt để thu hút nguồn lực tốt nhất của thế giới.
Do đó luật phải nhằm vào hướng đó mới có thể so với thế giới, nếu không chúng ta làm đặc khu làm gì. Pháp luật, hành chính phải đảm bảo để kinh tế thị trường hiện đại phát triển, đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư hạng nhất vào đây.
Có ý kiến lo ngại các đặc khu khi hình thành sẽ cạnh tranh nguồn nhân lực tại các địa phương. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi nhấn mạnh là đặc khu sinh ra không phải để cạnh tranh thu hút nguồn lực với các địa phương khác trong cả nước. Chức năng của đặc khu là cạnh tranh và liên kết quốc tế với các đặc khu khác của thế giới và trong khu vực. Vì thế, phải xây dựng năng lực cạnh tranh vượt trội cho đặc khu theo chuẩn mực quốc tế ở đẳng cấp cao nhất.
Thậm chí, công dân tại các đặc khu này cũng phải là công dân hạng nhất, như vậy mới cạnh tranh được với thế giới và thu hút các nhà đầu tư hàng đầu. Bất kể công dân là ai, khi tham gia đặc khu kinh tế phải sống khác, theo tư cách của công dân hạng nhất để bắt kịp tốc độ phát triển cao của các đặc khu. Đặc khu phải được xây dựng với hình mẫu đặc biệt, như vậy mới có cơ hội đột phá.
Hiện đang có những quan điểm khác nhau về tổ chức chính quyền địa phương. 2 phương án được đưa ra là không tổ chức HĐND, UBND mà thực hiện thiết chế Trưởng đặc khu và phương án tổ chức chính quyền địa phương có HĐND, UBND. Ông nghĩ sao về điều này?
Tư tưởng phải đột phá. Phân cấp huyện hay tỉnh rất quan trọng vì liên quan đến phân quyền. Hiện ta phân cấp rất rõ nhưng trao quyền rất ít. Đặc khu phải là một khu tự do rất cao và phải được trao quyền lực thực sự cho chính quyền đặc khu.
Để quyền được thực thi, không bị câu nệ vào một cấp hành chính, tốt nhất đặc khu này là cấp tỉnh, tương đương cấp tỉnh. Nếu đặc khu phải thuộc chỗ nọ, chỗ kia thì không ổn.
Nhưng có ý kiến lo ngại là làm sao giám sát để tránh Trưởng đặc khu lạm quyền?
Luật thiết kế sao cho để đặc khu đó vận hành vài chục năm, còn nếu quá nặng giám sát sẽ khó cho hoạt động của trưởng đặc khu. Chúng ta nên đặt vấn đề là hệ thống dân sự của ta sau này mới là hệ thống giám sát tối cao, không phải bộ máy. Giám sát qua công khai minh bạch, người dân giám sát. Khi ông trưởng đặc khu cam kết như thế nào hệ thống giám sát mới làm việc.
Đặc khu nằm trong khuôn khổ công khai, dân chủ cao nhưng cách tổ chức, thiết kế của chúng ta chưa dựa trên nền tảng đó. Tôi mong muốn phần hành chính, trao quyền, chịu trách nhiệm của phần đặc khu phải cao. Ngân sách của đặc khu là ngân sách độc lập mới giữ được quyền lực.
Xin cảm ơn ông!