Phải ưu tiên cho nông nghiệp và xuất khẩu

The daidoanket.vn

"Bám sát mục tiêu, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội” là những mục tiêu chính được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham vấn các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và thảo luận về các giải pháp của Chính phủ để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Rất nhiều giải pháp quan trọng đã được các chuyên gia đề xuất với Thủ tướng.

Phải ưu tiên cho nông nghiệp và xuất khẩu
Nông dân nhiều nơi thiếu vốn sản xuất. Nguồn: Internet
Lạm phát giảm, nhưng lo áp lực tăng giá 

Cuộc tham vấn, thảo luận của Thủ tướng với các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học có thể coi là một "hội nghị Diên hồng về kinh tế”. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, về cơ bản lạm phát đã được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3-2013 đến nay. Diễn biến CPI trong 7 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013. Giải ngân vốn FDI và ODA tiếp tục đạt khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tồn kho giảm dần. Phát triển doanh nghiệp bước đầu có những dấu hiệu tích cực. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.

Ông Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: 

Chính phủ nên tập trung tái cơ cấu vài ba tập đoàn kinh tế để làm mẫu. Hiện ta đang làm theo cách giao các tập đoàn, tổng công ty tự xây dựng đề án trình lên duyệt rồi về triển khai. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn thì không thể nào tái cơ cấu đại trà.
Nhìn vào "bức tranh” nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm có dấu hiệu  khởi sắc, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng "kết quả đáng kể nhất là lạm phát bước đầu được kiềm chế”.

Tuy nhiên, ông Thành cũng không khỏi băn khoăn khi vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp, nhưng áp lực tăng giá vẫn còn "ngay trước mắt” như: tăng lương, tăng giá xăng, chuẩn bị vào đầu năm học mới.

Ông Thành cho rằng, không nên đặt vấn đề kích cầu mà cần nhìn xem dư địa phía cung phía cầu để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,3% trong năm nay là bao nhiêu? để từ đó phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ với các chính sách khác nhằm đạt mục tiêu này.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, đến nay giai đoạn các ngân hàng thương mại tất toán vàng cho người dân đã cơ bản xong, không còn quan hệ vay mượn, chuyển sang quan hệ mua bán. "Vấn đề quan trọng nhất có liên quan ở đây vẫn là ổn định giá trị đồng Việt Nam” - ông Bình nói. 

Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trung hạn 

Đề xuất trên của ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.  Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế. Ông Lịch kiến nghị "Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trung hạn ba năm, theo đó phải kéo lãi suất trung hạn xuống, từ nay đến cuối năm 2013 phấn đấu bỏ trần lãi suất huy động”.

Phó Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng "thực trạng hiện nay là chi tiền chưa hiệu quả, còn lãng phí nhiều, vì thế chưa nên chi thêm tiền ở quy mô lớn. Không nên lấy thêm tiền từ ngân sách Nhà nước mà cần cơ cấu lại tài sản nhà nước”. Chính vì vậy, ông Cung đề xuất một trong những việc cần ưu tiên, phải làm ngay là " cần đẩy mạnh cải cách, thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước”.
Tổng phương tiện thanh toán đến tháng 7 ước tăng 8,25% so với cuối năm 2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 9,48%. Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ước đạt 4,91%. Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế đến tháng 7 ước đạt 381,72 nghìn tỷ đồng, đạt 46,8% dự toán năm. Tổng chi ngân sách nhà nước lũy kế đến 15-7 ước đạt 483,63 nghìn tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán năm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng "chỉ có phá băng tín dụng mới giúp phục hồi doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”.

Theo ông Nghĩa, có hai cách đó là nâng tổng cầu và xử lý triệt để nợ xấu, còn với những doanh nghiệp vẫn còn nợ xấu mà không tiếp cận được vốn thì ngân hàng cần có cách xử lý linh hoạt hơn. Ông Nghĩa cũng kiến nghị, Chính phủ cần mạnh dạn đưa ra những giải pháp có tính kích thích tăng trưởng.

"Quan trọng nhất là đẩy mạnh đầu tư công, vừa kích thích phát triển công nghiệp, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho hàng vạn người đang khó khăn”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nông nghiệp và xuất khẩu cần thêm nhiều ưu đãi

Dẫu rằng, dù nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhiều băn khoăn, khi mặc dù tăng trưởng trong nửa đầu năm quý sau cao hơn quý trước, nhưng mức tăng vẫn thấp và còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hai khó khăn lớn là ngành nông nghiệp đang có dấu hiệu chững lại, và việc tái cơ cấu nền kinh tế còn nhiều vướng mắc.

Sau khi lắng nghe những "kế sách”, tâm huyết và trí tuệ của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm sẽ bám vào mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không nóng vội đặt cao tăng trưởng. 

"Không ổn định thì không giữ được lòng tin” - Thủ tướng nói, và nhấn mạnh việc xử lý những vấn đề kinh tế trước mắt phải gắn bó chặt chẽ, thực hiện đồng thời với những giải pháp tái cơ cấu căn cơ lâu dài. "Từ nay đến cuối năm 2013, chính sách tín dụng phải ưu tiên cho nông nghiệp và xuất khẩu. Cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên bối cảnh mới khi thế giới đã trở thành một thị trường chung, trong đó khoa học - công nghệ, lực lượng sản xuất đã thay đổi” -Thủ tướng nhấn mạnh.