Phấn đấu tiếp tục giảm mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2022

Trần Huyền

Tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 20/10/2022, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QH

Bội chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5% GDP

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong 9 tháng đầu năm 2022, thu NSNN bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán.

Về chi ngân sách, ước hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán (46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đánh giá cả năm, chi NSNN đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng, bằng 114,1% dự toán; trong đó: giải ngân vốn đầu tư ước đạt khoảng 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 96,1%; chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán.

Đến hết tháng 9/2022 đã sử dụng 3,43 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân (khoảng 2,76 nghìn tỷ đồng). Số dự phòng còn lại (khoảng 17,07 nghìn tỷ đồng), tiếp tục tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, hỗ trợ người dân và các nhiệm vụ cấp bách khác trong những tháng cuối năm.

Về cân đối NSNN, bội chi tăng thêm cho nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và dự án cần đẩy nhanh tiến độ của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là 0,41% GDP. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép. Trong điều hành, Chính phủ đã và đang chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm chi, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết để tiếp tục giảm mức bội chi so với báo cáo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự toán thu NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP. Trong đó, thu nội địa là 1.334,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu NSNN; Thu dầu thô là 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu NSNN; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 239 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu NSNN; Thu viện trợ là 5,5 nghìn tỷ đồng.

Mức dự toán thu NSNN nêu trên là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ở một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng (+16,3%) so với dự toán năm 2022. Trong đó, chi NSTW (bao gồm số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP) chiếm 62,3% tổng chi NSNN; chi NSĐP (chưa bao gồm số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP) chiếm 37,7% tổng chi NSNN.

Căn cứ Kế hoạch tài chính 05 năm và nhu cầu nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, dự toán bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP, tăng khoảng 82,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Trong đó, bội chi cho Chương trình phục hồi khoảng 1,53%GDP; bội chi cho cân đối NSNN là 2,89% GDP (dự toán năm 2022 là 4% GDP) là mức rất tích cực.

Cân đối ngân sách bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng

Về Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chi tiêu tổng thu NSNN khoảng 5,1 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân khoảng 15% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP. Thu nội địa đến năm 2025 chiếm khoảng 84% tổng thu NSNN. Tổng chi NSNN khoảng 6,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên trong tổng chi NSNN đảm bảo bám sát mục tiêu tại Kế hoạch tài chính 05 năm 2021-2025.

Đồng thời, tiếp tục cân đối NSNN theo các mục tiêu tại Kế hoạch tài chính 05 năm 2021-2025 và bảo đảm thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, như: Kinh phí bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội; Cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chuẩn nghèo, các chính sách an sinh xã hội; Các chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt... Bội chi NSNN các năm 2024-2025 phấn đấu giảm dần để giữ tỷ lệ bình quân giai đoạn 5 năm theo Kế hoạch tài chính 2021-2025 theo Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Theo báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội nhiều nội dung quan trọng, trong đó có đề xuất chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong năm 2023. Từ ngày 01/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo khoảng 12,5% (cùng với mức điều chỉnh tăng 7,4% đã thực hiện năm 2022 thì cơ bản tương đương mức tăng lương cơ sở) và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Từ ngày 01/01/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023-2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu NSĐP so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương như tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.

Đặc biệt, trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống của người dân và tăng trưởng kinh tế, Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cụ thể.