Pháp luật về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng


Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới luôn cố gắng bảo vệ chủ quyền không gian mạng của mình bằng chính năng lực chủ thể của mỗi nước theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Song những nỗ lực đơn lẻ không thể nào tự chống chọi được cho những đe dọa từ nền không gian vĩ mô như không gian mạng. Do đó, các quốc gia cần đối thoại, hợp tác với nhau, cùng đưa ra tiến nói chung...

“Chủ quyền” - một trong những đặc điểm nổi bật của nền chính trị hiện đại. Chủ quyền quốc gia (CQQG) là một phạm trù gắn liền với việc xuất hiện nhà nước và thường được hiểu là “Quyền được hoàn toàn định đoạt công việc xây dựng, thực hiện chính sách quốc gia và quyền không bị can thiệp bởi các quốc gia bên ngoài”. Vì thế, CQQG thường được coi như một đặc tính của mỗi nhà nước, như một trong những biểu tượng cho sự tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc.

CQQG trên không gian mạng (KGM) là quyền tối cao, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia đối với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các vùng dữ liệu, thông tin trên KGM do Nhà nước quản lý, kiểm soát bằng hệ thống chính sách, pháp luật, cơ quan chuyên trách và các công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, các hành vi, sự kiện pháp lý trên KGM của các cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi quyền hạn của quốc gia cũng đồng thời chịu sự điều chỉnh của CQQG. 

Cần khẳng định rõ, việc xem KGM là “Vùng lãnh thổ đặc biệt”, có giá trị quan trọng trong việc xác lập đầy đủ hơn về CQQG không phải chỉ mới xuất hiện mà đó là sự nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cũng như phù hợp với quan điểm đường lối ở nước ta. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo TW nêu rõ “Chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc”.

Theo WeAreSocial, tính đến tháng 1.2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương với 79,1% dân số. Tuy nhiên báo cáo “Lừa đảo: các cuộc tấn công 2023, theo khu vực” công bố bởi Ani Petrosyan ngày 22.04.2024, Việt Nam cũng là mục tiêu thường xuyên nhất của các cuộc tấn công lừa đảo với tỷ lệ tấn công là 18,91%. Có nghĩa rằng, ở Việt Nam cứ khoảng năm người thì sẽ có một người là nạn nhân của vụ tấn công lừa đảo đây là con số đáng báo động.

Các quốc gia bị tấn công lừa đảo nhiều nhất trên thế giới năm 2023
Các quốc gia bị tấn công lừa đảo nhiều nhất trên thế giới năm 2023

Các vấn đề đe dọa chủ quyền mạng không chỉ là vấn đề cục bộ ở Việt Nam, trên thế giới, các chuyên gia cũng luôn khẳng định “Hiếm có ngày nào trôi qua mà không có sự kiện mạng nào được đưa lên tin tức ở các quốc gia”.

Tỷ lệ gia tăng về hoạt động độc hại trên KGM luôn ở mức tăng và trung bình năm mỗi năm tăng 60% - 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Những hoạt động độc hại xâm phạm đến CQQG, quyền và lợi ích của các chủ thể vẫn bị đe dọa nghiêm trọng. 

Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 đã nêu rằng:“Liên Hợp Quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả thành viên” (Điều 2), đây là cơ sở cơ bản trong quan hệ quốc tế về vấn đề CQQG trên KGM. Song thực tế vấn đề chủ quyền trên KGM vẫn chưa có sự thống nhất ở các quốc gia và vẫn chưa có văn bản quy phạm đặc thù mang tính bắt buộc chung nào điều chỉnh các mối quan hệ về vấn đề này. 

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đề cao tầm quan trọng của chủ quyền KGM điển hình như: Trung Quốc, EU, Nga, các nước khác trong đó có Việt Nam lần lượt khẳng định áp dụng CQQG lên KGM thông qua các tuyên bố chính thức.

Đảng và Nhà nước chú trọng tới việc xác lập và bảo vệ chủ quyền KGM quốc gia thông qua các văn bản pháp luật nhằm xây dựng hệ thống quy phạm quy định rõ ràng, cụ thể về chủ quyền trên KGM. Các chính sách về an ninh mạng, bảo vệ KGM quốc gia; nguyên tắc và biện pháp bảo vệ an ninh mạng được ban hành ứng dụng có hiệu quả và đi vào thực tiễn đời sống.

Để đảm bảo CQQG trên không gian mạng, hơn hết cần phát huy sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân, người dân được hoạt động tự do trên KGM trong khuôn khổ pháp luật, tham gia đóng góp, hoàn thiện môi trường mạng, chủ động tố giác hành vi xâm phạm CQQG. Chú trọng phát triển KGM thành con đường rộng lớn để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, thịnh vượng.

Nhìn nhận từ thực tiễn, Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới luôn cố gắng bảo vệ chủ quyền không gian mạng của mình bằng chính năng lực chủ thể của mỗi nước theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Song những nỗ lực đơn lẻ không thể nào tự chống chọi được cho những đe dọa từ nền không gian vĩ mô như không gian mạng. Do đó, các quốc gia cần đối thoại, hợp tác với nhau, cùng đưa ra tiến nói chung, tiêu chuẩn chung có tính phổ quát trong đảm bảo chủ quyền KGM quốc gia trên phạm vi toàn cầu. 

Tóm lại, CQQG đang ở một giai đoạn hoàn toàn mới - thời đại của kỉ nguyên số buộc chúng ta phải quan tâm sâu sắc trong bảo vệ CQQG trong môi trường KGM. Bảo đảm CQQG trên KGM phải được đặt lên hàng đầu, đây là mối ưu tiên chiến lược trong công cuộc đảm bảo an ninh các quốc gia, hòa bình thế giới.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn