Phát hiện 3 doanh nghiệp xăng dầu tăng giá bán vượt trần

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Ba doanh nghiệp đã có hành vi không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty Dầu khí Đông Phương và Công ty TNHH MTV dầu khí TP. Hồ Chí Minh.

Phát hiện 3 doanh nghiệp xăng dầu tăng giá bán vượt trần
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Qua theo dõi việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thời gian vừa qua, Bộ Tài chính phát hiện có 03 doanh nghiệp tăng giá bán vượt mức tối đa so với văn bản điều hành giá của cơ quan quản lý. 

Cụ thể, ngày 21/2/2014, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty Dầu khí Đông Phương (Orient Oil) điều chỉnh tăng giá bán xăng là 330 đồng/lít; dầu điêzen là 260 đồng/lít. Các mức giá điều chỉnh này cao hơn mức tăng tối đa quy định tại công văn số 2254/BTC-QLG đối với xăng là 23 đồng/lít; dầu điêzen là 13 đồng/lít.

Tiếp sau đó, ngày 19/3/2014, Công ty TNHH MTV dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) điều chỉnh tăng giá bán xăng là 200 đồng/lít; dầu điêzen là 90 đồng/lít. Mức điều chỉnh này cao hơn mức tăng tối đa quy định tại công văn số 3458/BTC-QLG ngày 19/3/2014 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu đối với xăng là 11 đồng/lít; dầu điêzen là 19 đồng/lít.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng thì: “Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu và thời gian tối đa giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu”.

Đối chiếu với quy định trên, qua xem xét ban đầu, hành vi điều chỉnh tăng giá vượt mức so với văn bản điều hành của Bộ Tài chính có thể được xem là hành vi không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 97/2013/NĐ-CP nói trên.

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý làm căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời, thực hiện chức năng phối hợp trong quản lý, điều hành giá xăng dầu, Cục Quản lý giá cho biết đã báo cáo Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ Công thương có ý kiến cụ thể về căn cứ pháp lý xử phạt các trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công Thương chưa có văn bản trả lời.