Phát hiện nhiều sai phạm tại sàn giao dịch bất động sản
(Tài chính) Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện nay vẫn còn nhiều chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản (BĐS) có biểu hiện sai phạm về điều kiện BĐS được giao dịch qua sàn, về hợp đồng, thủ tục giao dịch qua sàn, vi phạm về cấp giấy chứng nhận giao dịch qua sàn, vi phạm về việc công khai thông tin sản phẩm trên sàn và thông báo trước khi ký hợp đồng huy động vốn…
Từ chỗ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS trở nên minh bạch hơn, tránh đi sự lũng đoạn của chủ đầu tư đối với các dự án BĐS (theo Luật Kinh doanh BĐS 2006), sàn giao dịch BĐS hiện nay đang có nguy cơ lại trở thành đối tượng đầu tư thứ cấp, làm hàng, ép giá, huy động vốn của người mua nhà một cách vô tội vạ dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Với thực tế diễn biến tranh chấp tại các dự án BĐS thời gian qua, sự đổ bể của một số dự án và thiệt hại của khách mua nhà phải kể đến sự tiếp tay rất lớn của một số sàn giao dịch BĐS. Thay vì đứng ra kiểm soát tiến độ thực hiện dự án và làm cầu nối giữa chủ đầu tư và khách mua nhà, một số sàn giao dịch BĐS lại tiếp tay cho chủ đầu tư huy động vốn của khách mua nhà một cách vô tội vạ dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Chẳng hạn như trường hợp các khách hàng mua căn hộ thuộc dự án Trung Sơn Plaza, quận 7, TP. Hồ Chí Minh thông qua sàn giao dịch BĐS của công ty địa ốc Hòa Bình (báo Lao Động đã từng phản ánh) đang ở trong tình trạng không biết mình bị lừa bởi ai. Cụ thể, công ty địa ốc Hòa Bình nhận thầu và tổ chức thi công dự án Thảo Loan Plaza phần thô, đến khi bàn giao, chủ đầu tư lại không có tiền trả và yêu cầu trả bằng 25 căn hộ.
Số căn hộ này đã được công ty địa ốc Hòa Bình bán gần hết. Tuy nhiên, cho đến nay phía chủ đầu tư là công ty địa ốc Thảo Loan lại không thể bàn giao căn hộ vì có nhiều vấn đề tranh chấp quyền lợi trong việc chuyển nhượng dự án. Về phần mình, công ty địa ốc Hòa Bình đã kiện công ty Thảo Loan ra Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh và tòa đã thụ lý hồ sơ. Đồng thời công ty địa ốc Hòa Bình cũng đang trả lại tiền cho khách hàng, nhưng không thể trả hết cùng một lúc.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng khá bức xúc khi đáng lẽ ra những thông tin bất lợi mà chủ đầu tư dự án này đang gặp phải được sàn giao dịch này thông báo cho họ lúc họ mua nhà, thì sàn giao dịch này lại chỉ biết quan tâm đến việc bán để thu hồi phần vốn đã chôn vào việc xây dựng dự án.
Theo một giám đốc sàn giao dịch BĐS ở TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn thị trường phát triển nóng, sàn BĐS một thời mở ra như nấm gặp mưa. Và không phải quá lời khi nói rằng, có không ít sàn giao dịch đã tham gia làm lũng đoạn thị trường, làm cho giá thị trường tăng ảo, làm cho người mua nhà không tiếp cận được với giá thật của nó. Ngay cả việc, theo quy định các sàn giao dịch BĐS phải báo cáo định kỳ hoạt động giao dịch thì lại có những trường hợp “chạy giấy” giao dịch qua sàn, mà thực tế giao dịch đó không hề diễn ra hay liên quan tới sàn, vị giám đốc này cho biết.
Khó quản
Theo các chuyên gia trong ngành BĐS thì thực tế hoạt động giao dịch qua sàn có sát với những giao dịch đang diễn ra trên thị trường hay không, là điều mà các cơ quan quản lý vẫn rất khó nắm bắt. Chẳng hạn như một số sản phẩm thuộc phân khúc nhà phố của cá nhân cho thuê, bản chất là kinh doanh BĐS nhưng các cá nhân chủ sở hữu do không thuộc diện “bắt buộc” gọi là kinh doanh BĐS (và phải hạch toán khai thuế), nên vừa “trốn” thuế, vừa “trốn” luôn giao dịch qua sàn. Một số chủ đầu tư sản phẩm cho thuê căn hộ mini ngay trong địa bàn Thành phố, cũng bất chấp quy định giao dịch qua sàn mà chẳng... hề hấn gì.
Còn theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố hiện có 479 sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, tính đến nay đã có một nửa trong số đó ngừng hoạt động hoặc chuyển địa điểm mà không hề có thông báo với cơ quan quản lý.
Ngoài ra, trong thời gian qua khi tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, đoàn thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ đầu tư và 4 sàn giao dịch BĐS vi phạm các quy định tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP. Trong đó chủ yếu là các hành vi vi phạm về điều kiện BĐS được giao dịch qua sàn, về hợp đồng, thủ tục giao dịch qua sàn, vi phạm về cấp giấy chứng nhận giao dịch qua sàn, vi phạm về việc công khai thông tin sản phẩm trên sàn và thông báo trước khi ký hợp đồng huy động vốn...
Được biết, để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2014 sẽ định kỳ tổ chức các đoàn thanh tra tình hình thực hiện các dự án phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS và hoạt động của các sàn giao dịch BĐS để phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các chủ đầu tư, các sàn giao dịch BĐS; kiên quyết chấm dứt phát triển tràn lan tình trạng mua bán nhà đất trao tay, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các loại BĐS trái quy định của pháp luật.