Phát huy hiệu quả những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình kinh tế trong nước đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực nhưng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Nhiều chính sách, giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh đã được tích cực triển khai nhưng hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN.

 Phát huy hiệu quả những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Hoạt động của các DN vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Nguồn: internet

Chính sách chậm đi vào cuộc sống

"Chúng tôi còn tới hơn 120 nghìn chiếc mũ bảo hiểm các loại đang chất đầy trong kho, chưa biết khi nào có thể bán được, trong đó, một số mũ đã bị mốc do để trong kho từ hơn một năm nay", Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại nhựa Chí Thành V.N Nguyễn Văn Lập buồn bã chia sẻ với chúng tôi. Công ty được thành lập năm 2003, thời điểm Chính phủ quy định người đi mô-tô, xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, chỉ được một vài năm đầu công ty kinh doanh thuận lợi, đến nay, Chí Thành cũng như nhiều DN sản xuất mũ bảo hiểm có chất lượng tốt bắt đầu điêu đứng vì có quá nhiều cơ sở sản xuất các loại mũ bảo hiểm rởm, kém chất lượng. Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất mũ khép kín với công suất 10 nghìn chiếc/ngày, nhưng thực tế hiện nay, công ty chỉ sản xuất cầm chừng hoặc theo đơn đặt hàng làm quà tặng của các đơn vị.

Cùng chung hoàn cảnh như Chí Thành, nhiều DN khác tại TP. Hồ Chí Minh như Ðức Huy, Long Huê... cũng đang "kêu trời" vì "lỡ" sản xuất mũ bảo hiểm chất lượng tốt, trong khi thị trường tràn ngập mũ bảo hiểm rởm. "Nhằm cứu vãn hoạt động của công ty, trong thời gian tới, chúng tôi buộc phải chuyển hướng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực khác", Giám đốc Nguyễn Văn Lập chua chát bộc bạch.

Không chỉ các DN sản xuất mũ bảo hiểm, nhiều DN khác cũng đang phải đối mặt với tình cảnh này. Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ (TP. Ðà Nẵng) Nguyễn Ðức Trị lo lắng: "Hiện nay, hàng tồn kho đang là khó khăn lớn của các DN. Chi phí đầu vào quá cao, sức mua kém đến mức báo động. Trong khi đó, hàng nhập lậu tràn vào Việt Nam với giá rẻ, "bóp chết" rất nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam".

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của những chính sách này vẫn chưa được như mong đợi, hầu hết các DN đều phàn nàn về độ trễ và hiệu quả của các chính sách được ban hành. Theo Giám đốc Công ty TNHH Ðại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu) Nguyễn Văn Tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều chính sách giảm và điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ cho DN, nhưng đến nay, các ngân hàng thương mại đều rất "chậm" thực hiện chủ trương này. Hiện nay, lãi suất trung bình mà Công ty Ðại Dương đang phải trả tới hơn 13%/năm.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến (TP. Ðà Nẵng) Ðỗ Anh Tuấn cho biết: "Mức lãi suất cho vay giảm xuống còn 9% đến 13%/năm hiện nay là cố gắng lớn của các ngân hàng, nhưng mức lãi suất này vẫn còn cao. Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo ngân hàng hạ lãi suất cho vay xuống còn 8%/năm, tạo điều kiện cho các DN được vay vốn phát triển sản xuất". Ðể hỗ trợ, giúp DN trên địa bàn hoạt động, Ðà Nẵng đã thành lập Quỹ Ðầu tư Phát triển thành phố, đến nay, Quỹ đã cho hơn 50 DN vay vốn trung và dài hạn với lãi suất luôn thấp hơn lãi suất thị trường. Quỹ đã giúp các DN tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để duy trì sản xuất, hoàn thành hợp đồng xuất khẩu, như Công ty cổ phần cao-su Ðà Nẵng, Công ty cổ phần Dược và Thiết bị y tế, Công ty cổ phần Dược Danapha... Nhưng một số DN băn khoăn, do các thủ tục, điều kiện vay quá chặt chẽ cho nên khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, tiết kiệm chi phí về thời gian, tiền bạc của DN. Thế nhưng, nhiều DN vẫn phải "kêu trời" trước "ma trận" thủ tục hành chính không dễ vượt qua, khiến DN dần đuối sức. Chỉ vào chồng hồ sơ ngồn ngộn trên bàn, Giám đốc Công ty TNHH Hà Ðạt Ðỗ Minh Ðức bức xúc: Dự án resort của Hà Ðạt tại TP. Vũng Tàu được công ty chuẩn bị nhiều năm, sẵn sàng mọi phương án triển khai nhưng đến nay vẫn "vướng" các thủ tục hành chính. Lãnh đạo DN đã tham dự hàng chục cuộc họp với các ngành chức năng của TP. Vũng Tàu cũng như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng kết quả là dự án vẫn... "giậm chân" tại chỗ. Việc chậm đưa dự án vào hoạt động đã phá vỡ hoàn toàn các kế hoạch của công ty, theo đó vốn thực hiện dự án bị đội lên rất cao, việc xử lý các khoản vay đến hạn, các hợp đồng đã ký với đối tác... đều bị đảo lộn.

Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Trùng Dương Bùi Ngọc Tuấn cho biết, thời gian để một dự án từ khi có chủ trương chấp thuận đầu tư cho đến khi đi vào hoạt động phải mất từ ba đến năm năm. Ðây là khoảng thời gian quá dài và quá lãng phí đối với DN nói riêng và xã hội nói chung. Còn theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Ðịa ốc Ðất Lành (TP. Hồ Chí Minh) Nguyễn Văn Ðực, thời gian qua, công ty đã hoàn thành năm cao ốc căn hộ chung cư tại quận 12, nhưng với cao ốc chung cư Thái An (quận Gò Vấp) đang trong quá trình triển khai thì phải ngừng thi công. Nguyên nhân do công ty đã "cạn" vốn, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng cũng rất khó khăn vì lãi suất vẫn cao so với khả năng của DN. Mặt khác, các thủ tục cấp phép của cơ quan chức năng quá rườm rà, mất nhiều thời gian nên chưa thể tiếp tục thi công như kế hoạch, làm tăng chi phí cho DN, không thể giảm giá thành cũng như giá bán sản phẩm.

Hỗ trợ DN bằng những chính sách dài hạn

Nhìn nhận về những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN triển khai thời gian qua, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, những chính sách, giải pháp của Chính phủ là rất đúng, trúng nhưng quan trọng việc triển khai trong thực tế như thế nào. Ðơn cử như nút thắt về vốn của DN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng vấn đề là lãi suất các khoản cho vay cũ vẫn giảm chưa tương xứng... Hay như gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho vay để mua nhà ở đến nay cũng chỉ giải ngân được hơn 5%. Không chỉ triển khai chậm mà sự phối hợp thực hiện giữa các ngành cũng chưa nhịp nhàng. Nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu trong khi nhà ở thương mại tồn kho lớn nhưng việc chuyển đổi thành nhà ở xã hội không hề đơn giản, lại tăng thêm nhiều chi phí... như vậy, khó có thể giải ngân nhanh được gói 30 nghìn tỷ đồng này.

Ðể tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, theo TS Cao Sỹ Kiêm, cần xác định rõ nguyên nhân tắc ở đâu để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp. Thí dụ, như việc lãi suất cho vay mới, dù đã giảm rất mạnh nhưng nếu ngân hàng vẫn thận trọng xem xét cho vay với các tiêu chuẩn chặt chẽ như hiện nay thì DN cũng rất khó tiếp cận được vốn. Nếu cứ giữ nguyên tình trạng này thì rõ ràng vốn sẽ không tới được tay DN, ngân hàng cũng không thể đẩy tín dụng ra; vì vậy Chính phủ cần tham gia giải quyết vướng mắc này, có thể đứng ra bảo lãnh để ngân hàng cho DN vay.

Với lãi suất các khoản cho vay cũ, các ngân hàng thương mại không thể đồng loạt giảm ngay vì mỗi ngân hàng có cơ cấu nguồn vốn, cách tính lãi, chất lượng tín dụng khác nhau, cho nên phải phân loại nợ và có lộ trình giảm cụ thể. Nếu không giảm được lãi suất này thì DN đã khó càng khó khăn hơn. Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Minh kiến nghị, có thể khống chế trần lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, các khoản vay cũ và vay mới đều áp dụng lãi suất như nhau; đồng thời giảm bớt thủ tục và điều kiện tài sản bảo đảm để giúp DN tiếp cận được vốn.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), việc thực hiện các chính sách, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ðây chính là nền tảng quan trọng để DN phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả, tác động của một số chính sách, giải pháp còn chưa cao. Cũng phải nhìn nhận, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, còn có những giải pháp dài hạn, đòi hỏi thời gian dài hơn để đánh giá hiệu quả. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu DN cứ trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì khó có thể vượt qua khó khăn. Nhà nước chỉ có thể có những tác động, hỗ trợ, hậu thuẫn DN như đàm phán, ký kết các hiệp định đối tác, hiệp định thương mại tự do với các nước để mở ra thị trường, cơ hội kinh doanh cho DN. Còn bản thân các DN phải chủ động tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội đó.

Thứ trưởng Bộ KH&ÐT Ðặng Huy Ðông chia sẻ, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt của DN như về vốn, mặt bằng sản xuất..., Bộ KH&ÐT đang hướng tới những giải pháp dài hạn, bền vững hơn bằng một kế hoạch hỗ trợ DN có tính chất trọng tâm, trọng điểm, lôi kéo các địa phương, bộ, ngành theo chức năng của mình tham gia vào hoạt động hỗ trợ DN này. Cụ thể như, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản lý, nguồn nhân lực, quản trị của DN; tạo cho DN cơ hội tiếp xúc, ứng dụng đổi mới công nghệ, để có được các sản phẩm có khả năng cạnh tranh; hỗ trợ DN hoàn thiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, đầu tư dây chuyền bảo quản sau thu hoạch cho các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản... Với những giải pháp này, Nhà nước có thể hỗ trợ DN đứng vững trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá của không ít DN, những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế đã xuất hiện. Giám đốc Công ty thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Ðảo Lê Văn Kháng cho biết, kim ngạch xuất khẩu của công ty trong quý I rất khả quan. Nhiều đơn hàng mới đã được ký. Một số đối tác nước ngoài do khó khăn phải tạm dừng nhập hàng của công ty nay bắt đầu làm ăn trở lại. "Nếu những chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ, các bộ, ngành, cùng chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào cuộc sống, sẽ là cơ hội để các DN có bước phát triển mạnh mẽ sau những thăng trầm của cả nền kinh tế vừa qua" - Giám đốc Lê Văn Kháng khẳng định.

Theo kế hoạch, hôm nay, 28/4, tại Hà Nội, diễn ra "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014" do Văn phòng Chính phủ phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, quy tụ hơn 300 doanh nghiệp. Hội nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trong giai đoạn 2014-2015. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, trao đổi nhằm tìm ra phương thức, giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, cùng doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, cạnh tranh và phát triển.