Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh cần ưu tiên hàng đầu việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, trong suốt 94 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, sứ mệnh trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ, cổ vũ, động viên nhân dân ta hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy, phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tổ chức nòng cốt trong phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cầu nối quan trọng của Đảng, chính quyền với nhân dân; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong đời sống xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận.
Cơ bản đồng tình với phương hướng, mục tiêu và chương trình hành động nhiệm kỳ tới mà Báo cáo chính trị đã đưa ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định. Đó là:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận cần làm tốt vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên đoàn kết các giai tầng, các cá nhân tiêu biểu, phát huy cao độ vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, khơi dậy tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và người lao động, bảo đảm thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; chủ động các hoạt động đối ngoại nhân dân; kiên quyết bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Mặt trận và các tổ chức thành viên làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nhân dân hiểu, đồng lòng, đồng tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Mặt trận phải là hạt nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn.
Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân; nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần chủ động, tích cực có các giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo. Phát hiện, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền, huy động các nhà hảo tâm kịp thời hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở. Tích cực tập hợp, lắng nghe ý kiến Nhân dân, thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy, tiếng lòng của Nhân dân để phản ánh với cấp uỷ, chính quyền các cấp. Làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh. Tham gia hiệu quả và động viên Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống lãng phí và tham nhũng, tiêu cực. Trước mắt tích cực tham gia công tác tổ chức, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc theo hướng thiết thực, sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, “khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia”.
Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận trong triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước chất lượng cao, thiết thực, với sự hài lòng của nhân dân; thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Phương thức vận động, tập hợp của tổ chức Mặt trận phải đa dạng, phong phú về loại hình, sinh động về nội dung, trở thành diễn đàn quần chúng, nơi các tầng lớp nhân dân thuộc các giới, giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... gặp gỡ, trao đổi thông tin, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng, đối thoại dân chủ, cởi mở. Tập hợp, phát huy tối đa vai trò, sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển đất nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể có tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, yêu dân, là tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng, dân tin cậy, dân chia sẻ.
Trong giai đoạn cách mạng mới, mỗi cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục thấm nhuần sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận; đề cao trách nhiệm đối với hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tôi đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Mặt trận chân thành, cầu thị, lắng nghe, tận tâm, tận lực giải quyết công việc của dân. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sức sáng tạo của các giai tầng xã hội, mọi tổ chức và cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh./.