Tỉnh Hậu Giang:
Phát huy thế mạnh nông nghiệp
Bằng những cách làm phù hợp nhất là thực hiện nhiều đề án của tỉnh Hậu Giang, kinh tế nông nghiệp đã có bước chuyển mình, từ nền nông nghiệp lạc hậu sang nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Từ đó góp phần đạt chỉ tiêu thu nhập của hộ dân trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Hiệu quả từ những đề án chuyển đổi
Cách đây 15 năm, cây mía được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo ở huyện Phụng Hiệp. Có thời điểm, diện tích mía ở địa phương này lên đến gần 10.000ha, với trên 22.000 hộ trồng mía, trong đó có hàng trăm nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi, với năng suất 200 tấn mía/ha/vụ.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, cây mía dần trở thành một “gánh nặng” cho người dân trong huyện. Giá bán thấp, thua lỗ kéo dài khiến cho nông dân trồng mía gặp khó khăn. Để kịp thời hỗ trợ người dân trồng mía chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, năm 2014 tỉnh Hậu Giang đã triển khai Đề án 1000, trong đó huyện Phụng Hiệp có 207 hộ được tiếp cận đề án với tổng số tiền vay hơn 1,8 tỉ đồng để chuyển đổi cây trồng.
Không chỉ có Đề án 1000, năm 2017 Huyện ủy Phụng Hiệp ban hành Nghị quyết về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn xây dựng mô hình phát triển bền vững, giai đoạn 2017-2020”. Đi kèm theo đó là triển khai nhiều đề án, chương trình vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống cho người dân chuyển đổi.
Sau nhiều năm, 20 công mía của gia đình ông La Văn Nhiều, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, không mang lại hiệu quả. Năm 2014, ông Nhiều mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi chuyển đổi cây trồng của huyện để cải tạo đất chuyển sang trồng mãng cầu xiêm. Sau 3 năm canh tác, vườn mãng cầu xiêm của ông Nhiều bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay mỗi vụ, ông Nhiều thu hoạch hơn 60 tấn trái, được Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh bao tiêu đầu ra, trừ hết chi phí mỗi năm ông thu về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Ông Nhiều chia sẻ: “Sau nhiều năm thua lỗ với cây mía, kinh tế gia đình dần kiệt quệ. May mắn thời điểm đó được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của huyện nên đã giúp gia đình có điều kiện tái sản xuất và có được hiệu quả như hôm nay”.
Tính đến nay, sau 6 năm phát động phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, huyện Phụng Hiệp đã có hơn 4.000ha đất mía, vườn tạp kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. Góp phần tái cơ cấu lại cây trồng, phá thế độc canh cây lúa và mía. Toàn huyện hiện có 20.000ha lúa, 5.000ha mía và 8.800ha cây ăn trái.
Quá trình chuyển đổi huyện đã kêu gọi được trên 20 công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu nhiều loại nông sản như: mía, lúa, khóm MD2, mãng cầu xiêm và chanh không hạt. Về hiệu quả thì hầu như các nông sản được bao tiêu đều cho thu nhập cao hơn từ 20-30% so với hình thức bán như trước đây. Đặc biệt, hiện nay huyện có 4 nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Hà Lan.
Từ một địa phương có hai loại cây trồng chủ lực là mía và lúa, nhưng từ những cách làm phù hợp cùng với sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình, đề án, đã góp phần nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp ở Phụng Hiệp hiện nay đạt 133,5 triệu đồng/ha, tăng 30,5 triệu đồng so với năm 2015. Toàn huyện hiện có 1.421 mô hình làm ăn cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó, có 100 mô hình ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 200 triệu đến 2 tỉ đồng mỗi năm, góp phần kéo tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện giảm từ 3-4%.
Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, thời gian qua tỉnh đã thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhất là chuyển đổi từ vườn tạp, chuyển đổi mía kém hiệu quả sang trồng cây có múi. Mô hình này sau khi trừ chi phí đầu tư, đến năm thứ 3 cây bắt đầu cho trái ổn định, mỗi năm hộ dân đạt lợi nhuận từ 70-400 triệu đồng/ha. Còn chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 lúa - 1 màu hiệu quả từ 100 triệu đồng/ha trở lên; chuyển đổi sang 2 lúa - 1 thủy sản có lợi nhuận từ 20-50 triệu đồng/ha.
Từ hiệu quả kinh tế của các mô hình có thể khẳng định mặc dù các mô hình gặp khó khăn về đầu ra do chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị nhưng nhìn chung từng mô hình đều cho hiệu quả kinh tế và đạt mục tiêu của đề án là nâng cao mức thu nhập của các mô hình chuyển đổi trong đề án tăng từ 1,5-2 lần so với hiện trạng, từ đó góp phần đạt chỉ tiêu thu nhập của hộ dân trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Mục tiêu của tỉnh Hậu Giang đặt ra tới đây là giữ ổn định diện tích đất trồng lúa để đảm bảo sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn lúa/năm. Ngoài ra, khuyến khích mở rộng diện tích và sản lượng các loài cây lương thực khác, cây ăn trái và rau màu. Từ đó, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm các hệ thống thủy lợi, hệ thống đường bộ, đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp nói chung và cây lương thực nói riêng…
Chuyển đổi những diện tích trồng lương thực năng suất thấp do nhiễm mặn, hạn hán, lũ lụt… sang trồng các loại cây phi lương thực có giá trị kinh tế cao hoặc nuôi thủy sản. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng lúa kém hiệu quả như không có đê bao chống lũ, nhỏ lẻ, phân tán trong các vườn cây ăn trái, khó cơ giới hóa đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, rau màu hoặc kết hợp vụ 3 nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch
Song song với việc vận động người dân chuyển đổi, nhiều địa phương trong tỉnh cũng chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển du lịch miệt vườn.
Như huyện Phụng Hiệp, năm qua huyện đã triển khai thực hiện 5 mô hình đột phá ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên quy mô lớn gồm: Mô hình trồng chanh không hạt theo GlobalGAP trên diện tích 265ha; mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính, với diện tích 14.000m2; mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới thông minh trên diện tích 1.500m2; mô hình sản xuất lúa an toàn tiến đến hữu cơ theo hướng xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, với diện tích 1.000ha và mô hình nuôi lươn bể bạt không bùn sử dụng thức ăn công nghiệp.
Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đây là những mô hình sản xuất mẫu cho bà con tham quan học tập nhân rộng, để từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Bởi thực hiện theo mô hình này buộc người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất để làm ra các nông sản sạch, chất lượng có thương hiệu đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng hiện nay.
Bên cạnh những thuận lợi về đất đai, hiện nay Phụng Hiệp đang có thuận lợi khi được tỉnh chọn thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch đồng bằng sông nước”. Theo đó, huyện sẽ lấy kinh tế làm đòn bẩy, dựa trên thế mạnh nông nghiệp của huyện, tập trung phát triển nông nghiệp sạch để gia tăng giá trị các mặt hàng nông sản dần tiến lên nền nông nghiệp hữu cơ. Chú trọng phát triển những loại cây trồng chủ lực thông qua việc xây dựng những mô hình, những hợp tác xã để liên kết phát triển du lịch miệt vườn.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho hay: Với quy hoạch định hướng phát triển của tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh những chỉ tiêu nghị quyết của nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện cũng chọn khâu đột phá là thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch”. Hiện tại, song song với việc tập trung quy hoạch đề án, huyện cũng đã xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái, củng cố các cơ sở chế biến hay các làng nghề sản xuất thủ công truyền thống trên địa bàn huyện. Để khi phát triển du lịch, có những mô hình giới thiệu cho khách tham quan sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Một điểm khá thuận lợi cho huyện Phụng Hiệp khi thực hiện định hướng “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch” là hiện nay địa phương đã triển khai được vài điểm, tuyến du lịch cộng đồng gắn với hoạt động sản xuất nông sản khá lý tưởng như: điểm du lịch ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tuyến du lịch cây lộc vừng kết hợp tham quan làng nghề sản xuất truyền thống như bó chổi dừa, làng sản xuất đũa tre hay các cơ sở chế biến cá thát lát theo chuỗi giá trị… vừa phát triển du lịch kết hợp tiêu thụ được nông sản do chính bà con làm ra.
Bởi theo thống kê hàng năm huyện Phụng Hiệp có gần 30.000 lượt khách đến tham quan các nơi này. Đặc biệt, huyện được thiên nhiên ưu đãi khi có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nơi bảo tồn 330 loài thực vật, 206 loài động vật, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân là những bệ phóng quan trọng trong phát triển du lịch nếu được khai thác đúng tiềm năng…
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Hậu Giang định hướng đến năm 2030 và xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn với mức độ ứng dụng đúng khoa học và công nghệ cao, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài. Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn trên 2,5 lần so với hiện nay.